Bế tắc giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế liên quan đến các điều khoản của gói cứu trợ 240 tỷ USD cho Athens là vấn đề gây sự quan tâm của các Bộ trưởng tài chính Nhóm các nước mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20), đang nhóm họp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Sapin nói: “Vấn đề Hy Lạp không phải là nội dung chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị song tôi nghĩ rằng nó có thể được đề cập trong các cuộc gặp song phương ở G20. Tôi không biết giải pháp nào hiện nay dành cho Hy Lạp, và chắc cũng không một ai biết được điều đó. Nhưng tôi biết chắc về một giải pháp nếu chúng ta tìm thấy, sẽ bao gồm sự tôn trọng ý chí của người dân Hy Lạp, nguyện vọng của tân chính phủ Hy Lạp, trong khi vẫn tôn trọng các quy định của Liên minh châu Âu. Bởi Hy Lạp đang là một phần của Liên minh châu Âu. Tôi nghĩ rằng, dù sao người Hy Lạp cũng cần phải tôn trọng người châu Âu”.
Trước những lo ngại rằng, nếu Athens không giải quyết được những bất đồng với Liên minh châu Âu về cuộc khủng hoảng nợ nần hiện nay thì nhiều khả năng Hy Lạp sẽ phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Canada Joe Oliver đã nhấn mạnh đến một giải pháp của sự thỏa hiệp.
Ông Oliver nói: “Cần phải có sự thỏa hiệp. Rõ ràng Hy lạp đã có sự chuẩn bị để thực hiện một số thay đổi. Tôi nghĩ rằng, khả năng Hy Lạp từ chối một khoản cho vay lớn là điều có thể xảy ra. Vì thế, các quốc gia khác của EU, hay những chủ nợ cần phải làm việc với Hy Lạp để đi đến một giải pháp thỏa hiệp. Tôi nghĩ rằng chẳng ai muốn Hy Lạp rời khỏi Liên minh tiền tệ eurozone”.
Liên quan đến bất đồng giữa EU và Athens, mới đây lại nổi lên một cuộc tranh luận khá gay gắt về việc liệu châu Âu nên ưu tiên tập trung vào việc kích thích tăng trưởng hay tiếp tục duy trì chính sách kinh tế khắc khổ để giải quyết dứt điểm các vấn đề kinh tế của mình.
Cùng ngày, tại thủ đô Athens, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng tài chính Hy Lạp một lần nữa tuyên bố một cách cứng rắn rằng, Hy Lạp nhất định sẽ không “uống liều thuốc đắng” mà Bộ ba nhóm chủ nợ quốc tế ( Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ủy ban châu Âu) kê đơn, trước khi đề xuất một giải pháp ngắn hạn về chương trình cứu trợ tài chính cho nước này./.