Đây được xem là tuần quyết định đối với tương lai kinh tế của Hy Lạp, trong bối cảnh quốc gia Nam Âu này đang nỗ lực đàm phán các điều khoản của gói cứu trợ quốc tế.
Cuộc gặp Hội đồng bộ trưởng kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ chủ yếu tập trung vào “chính sách tổng thể” của Thủ tướng Tsipras, trong đó bao gồm các biện pháp quan trọng nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo mà đại bộ phận người dân Hy Lạp đang phải đối mặt do các biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc và một loạt chính sách cải cách mà nước này phải thực hiện trong 3 năm qua, cũng như những cải cách sẽ được thực hiện trong 3 năm tới.
Theo Thủ tướng Tsipras, chính phủ nước này có trách nhiệm phải khôi phục nền kinh tế, thực hiện kế hoạch cải cách quốc gia nhằm xây dựng một hệ thống thuế công bằng, chống lại tình trạng trốn thuế và tham nhũng, cũng như tăng cường hiệu quả quản lý hành chính công.
Ông Tsipras: “Chúng tôi có nghĩa vụ và trách nhiệm không để cho người dân của mình phải thất vọng một lần nữa. Hy Lạp là một quốc gia có chủ quyền, là một nước dân chủ, chúng tôi có một chương trình và một cam kết với nhân dân của mình và chúng tôi phải thực hiện cam kết này. Thắt lưng buộc bụng không phải là một quy tắc của Liên minh châu Âu và nó cũng không phải là nguyên tắc sáng lập Liên minh châu Âu.”
Chính phủ Hy Lạp đang muốn đàm phán lại các điều khoản của gói cứu trợ quốc tế, giúp nước này giảm nhẹ gánh nặng nợ nần mà không phải thực hiện các chính sách khắc khổ, thông qua một chương trình cải cách tham vọng, chủ yếu về thuế. Dù nhiều đối tác châu Âu, trong đó có Đức và cả những nền kinh tế nợ nần như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều có phản ứng tích cực trước những đề xuất của Hy Lạp, song nước này cũng không thể không tính đến trường hợp xấu nhất. Nếu những đề xuất của nước này bị bác bỏ, Hy Lạp sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ khi nhiều khoản nợ đã đến hạn. Với việc không thừa nhận sự tồn tại của nhóm bộ ba chủ nợ quốc tế, cũng đồng nghĩa với việc Hy Lạp chấp nhận từ bỏ khoản cứu trợ cuối cùng trị giá hơn 7 tỷ euro dự kiến sẽ rót cho nước này vào cuối tháng 2. Không như cách đây hơn 4 năm khi Liên minh châu Âu tìm mọi cách để giữ chân Hy Lạp, trong một động thái được xem là lời cảnh cáo gửi tới Hy Lạp, Ngân hàng Trung ương châu Âu hồi giữa tuần đã quyết định ngừng thu mua trái phiếu Chính phủ Hy Lạp kể từ ngày 11/2 tới và sẽ coi trái phiếu này không còn là một loại tài sản bảo đảm của Ngân hàng Trung ưng châu Âu.
Tuy nhiên, trong một phát biểu ngày hôm qua, Bộ Tài chính Hy lạp đã ra tuyên bố nhằm trấn an dư luận khi khẳng định, quyết định này không gây bất lợi cho khu vực tài chính Hy Lạp và nước này cũng không thiếu tiền mặt cho tới mùa hè, bởi đã được bảo vệ đầy đủ nhờ nhiều khả năng lựa chọn sẵn có khác.
Lập trường cứng rắn của chính phủ Thủ tướng Tsipras theo cách gọi của giới phân tích đã khiến một cơ quan xếp hạng tín nhiệm Mỹ mới đây đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm nợ của Hy Lạp từ “B” xuống “B-“, với triển vọng tiêu cực. Một cơ quan xếp hạng tín nhiệm nợ khác là Moody’s cũng gia tăng sức ép khi thông báo Hy Lạp "đang nằm trong tầm ngắm".
Dự kiến, ngày mai (9/2), Thủ tướng Hy Lạp Tsipras sẽ gặp Thủ tướng Áo Werner Faymann tại thành phố Vienna sau khi nhận được lời mời hồi tuần trước. Bên lề cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 diễn ra trong 2 ngày 09 và 10/2 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề Hy Lạp cũng có thể sẽ là một nội dung quan trọng trong các cuộc gặp song phương, trước khi diễn ra hội nghị bất thường của nhóm bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu vào ngày 11/2 tại thủ đô Brussels, Bỉ và sau đó là Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu ngày 12/2./.