Sáng nay (2/12), các cuộc biểu tình chống Chính phủ  do "Ủy ban nhân dân vì sự thay đổi thành nền dân chủ hoàn chỉnh do Nhà Vua làm nguyên thủ" tổ chức tiếp tục diễn ra tại khu vực Phủ Thủ tướng.

Dùng loa phóng thanh cảnh báo

Tình hình này buộc cảnh sát phải dùng hệ thống loa phóng thanh và bắn đạn hơi cay để cảnh cáo, ngăn chặn người biểu tình tìm cách phá hoại hàng rào chướng ngại vật ở khu vực này.

Đêm qua (1/12), cựu Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep thuộc đảng Dân chủ đối lập và là Tổng thư ký "Ủy ban nhân dân vì sự thay đổi thành nền dân chủ hoàn chỉnh do Nhà Vua làm nguyên thủ", đã tuyên bố sẽ không đàm phán với Chính phủ, tiếp tục tiến hành biểu tình để "giành chiến thắng" trong 2 ngày.  

bao%20vay%20chinh%20quyen.jpg
"Giao tranh" giữa người biểu tình Thái Lan và lực lượng cảnh sát bảo vệ trụ sở chính quyền ở Bangkok (ảnh: Reuters)

Vì vậy, các cuộc biểu tình chống Chính phủ trong ngày hôm nay (2/12) vẫn huy động lực lượng bao vây, chiếm giữ các công sở, đặc biệt là Phủ Thủ tướng và Cơ quan cảnh sát quốc gia.

Cùng ngày, ban lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Thái Lan đã chỉ đạo tăng cường lực lượng và phương tiện, kiên quyết bảo vệ Phủ Thủ tướng và trụ sở Quốc hội, Cơ quan Cảnh sát quốc gia, vì đây là "biểu tượng" của Chính quyền.

Cảnh sát cũng đã cảnh báo người biểu tình không được tìm cách đột nhập vào các khu vực này. Nếu cố ý vi phạm, cảnh sát buộc phải sử dụng hơi cay và đạn cao su để ngăn chặn, theo đúng trình tự pháp luật và chuẩn mực quốc tế.

Nữ Thủ tướng cố thương thuyết

Tối qua (1/12), Nữ Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã có cuộc gặp với cựu Phó Thủ tướng Suthep, người lãnh đạo cuộc biểu tình chống Chính phủ. Ông Suthep ngay sau đó đã tuyên bố tiếp tục đẩy mạnh biểu tình trong 2 ngày tới.

Tuy nhiên, Thủ tướng Yingluck vẫn tái khẳng định đề nghị chấm dứt biểu tình và Chính phủ cùng các phe phái thảo luận tìm giải pháp đưa đất nước thoát khỏi bất ổn chính trị. Lập trường sẵn sàng thương lượng hòa bình của Chính phủ Thái Lan được nhiều chính khách, học giả, giới báo chí, khu vực kinh doanh và đa số người dân Thái Lan ủng hộ.

Các kiến nghị, phương án đưa ra tuy khác nhau về cách thức, lộ trình, song đa số ý kiến đều nhất trí: Biểu tình gia tăng có thể dẫn tới bạo lực, đổ máu nghiêm trọng. Chính phủ và lực lượng biểu tình cùng kiềm chế, tránh xung đột bạo lực, ngừng các hoạt động biểu tình gây rối loạn xã hội. Đồng thời Chính phủ cần mở diễn đàn tập hợp ý kiến của tất cả các phe phái, tầng lớp xã hội; lựa chọn phương án cải cách chính trị đất nước trên cơ sở đảm bảo chế độ dân chủ, được các bên chấp nhận.

Một số học giả Thái Lan cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Chính phủ và người biểu tình hiện nay, việc tiến hành thương lượng hòa bình sẽ rất khó khăn; song đây là giải pháp tối ưu, giúp Thái Lan tránh được những thiệt hại to lớn về kinh tế - xã hội; đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển đất nước.                                                          

Văn phòng Liên Hợp Quốc đóng cửa do lo ngại bạo động

Liên Hợp Quốc hôm nay (2/12) đã cho đóng cửa trụ sở chính của tổ chức này tại thủ đô Bangkok, Thái Lan trước làn sóng bạo lực đang lan rộng tại nước này. Trong một thông cáo gửi qua thư điện tử tới các nhân viên Liên Hợp Quốc làm việc tại đây, cơ quan an ninh của Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo sẽ có nhiều bạo lực tại Thái Lan trên quy mô lớn. Do đó, các nhân viên Liên Hợp Quốc tại Thái Lan nên tránh tới các khu vực trụ sở Chính phủ.
  >> Xem thêm: Hình ảnh phe biểu tình quyết lật đổ Thủ tướng Thái Lan
Cũng trong ngày hôm nay (2/12), nhiều trường học và trụ sở Chính phủ của Thái Lan đã buộc phải đóng cửa sau các vụ đụng độ giữa người biểu tình ủng hộ và phản đối Chính phủ hai ngày qua./.