Các con phố gần sân vận động ở khu vực Ramkamhaeng của Bangkok rải rác đầy kính vỡ và đá. Một thủ lĩnh Áo Đỏ tên Jatuporn Promphan nói có thêm 4 người Áo Đỏ bị sát hại nhưng hãng tin Reuters xác nhận chỉ có một, đó là cận vệ Áo Đỏ 43 tuổi Viroj Kemnak.

45 người đã bị thương trong “chiến sự”, theo nguồn tin của trung tâm khẩn cấp Erawan thuộc chính phủ.

Hàng ngàn người thuộc phe Áo Đỏ bắt đầu đi xe bus trở về nhà ở miền bắc Thái Lan nhưng việc này có vẻ như không đảm bảo sẽ tháo ngòi cuộc khủng hoảng chính trị tệ hại nhất ở Thái Lan kể từ hồi tháng 4-5/2010 – một thời kỳ chỉ chấm dứt sau khi quân đội trấn áp biểu tình khiến tổng cộng 91 người thiệt mạng, đa phần là người ủng hộ ông Thaksin.

thai%20lan%20pha%20day%20thep%20gai.jpg
Phe biểu tình phá dây thép gai trước trụ sở Cục Điều tra Đặc biệt ở Bangkok hôm 30/11 (ảnh: AP)

Khoảng 2h sáng nay (1/12), Kittisak Srisunthorn 36 tuổi cho biết anh ta bị bắn vào tay trong lúc ngồi cùng một nhóm bảo vệ của phe Áo Đỏ. “Tôi nghe thấy tiếng bom tự chế, tiếng súng nổ. Mọi người bắt đầu quăng đá và chai thủy tinh. Có chừng 100 người tụ tập. Tôi không thấy cảnh sát”, Kittisak nói với Reuters.

Đại tá cảnh sát Narongrit Promsawat thì cho AP hay, có tiếng súng nổ ngắt quãng ở khu vực đông bắc Bangkok nơi nổ ra các cuộc đụng độ vào ngày hôm trước ở gần sân vận động tổ chức một mít tinh lớn thân chính phủ với sự tham gia của hơn 50.000 người.

Các cuộc đụng độ về đêm này có sự tham gia của các phần tử chống chính phủ, do các sinh viên đại học cầm đầu – các sinh viên này cố ngăn những người ủng hộ chính phủ đi vào khu vực tụ tập nói trên.

Đến sáng 1/12 vẫn có những loạt súng bắn vào 1 trường đại học ở gần đó. “Ngay giờ đây vẫn có người bắn vào trong khuôn viên trường chúng tôi”, Wutthisak Larpcharoensap – hiệu trưởng trường Đại học Ramkhamhaeng nói. “Hiện có khoảng 2.000 sinh viên bên trong trường và tôi rất lo lắng cho sự an toàn của các em. Chúng tôi đang đóng cửa để bảo đảm an toàn”.

Trên website của mình, Cơ quan Y tế Khẩn cấp Bangkok phản ánh rằng ít nhất 1 người chết và 35 người bị thương. Vị hiệu trưởng nói trên thì cho biết sáng nay (1/12) người ta phát hiện thêm 1 xác chết với nhiều vết thương vì đạn bắn.

Trong khi đó phe biểu tình không có dấu hiệu nhượng bộ.

“Tôi tin rằng chúng tôi sẽ tuyên bố chiến thắng vào ngày hôm nay,” Akanat Promphan – 1 phát ngôn viên cho phe chống chính phủ nói. “Chúng tôi sẽ không thoái lui vì sợ hãi, chúng tôi sẽ tiến lên”.

Một đám đông khoảng 2.000 người đã tập trung bên ngoài các công ty viễn thông nhà nước từ hôm 30/11 và thủ lĩnh phe biểu tình Suthep Thaugsuban thúc giục lực lượng của mình xông lên chiếm các Bộ Lao động, Ngoại giao, Giáo dục và Nội vụ. Hiện không rõ ông ta có đủ người để bao vây các văn phòng chính phủ hay không.

Các trung tâm mua sắm ở Bangkok đều đóng cửa để đề phòng “giông tố” vào ngày hôm nay.

Về phía chính phủ, hàng ngàn cảnh sát chống bạo động được quân đội hậu thuẫn đã bảo vệ tòa nhà Chính phủ Thái Lan và các điểm xung yếu khác, bao gồm Quốc hội và tổng hành dinh cảnh sát.

Phía cảnh sát cho hay bên quân đội đã đồng ý phải 2.730 quân nhân tới giúp duy trì trật tự trên phố. Có 17 tiểu đoàn lục quân cùng 180 quân cảnh được huy động đến. Quân đội tuy tuyên bố trung lập trong cuộc khủng hoảng hiện nay nhưng đã từng phế truất ông Thaksin hồi năm 2006 (với cáo buộc tham nhũng và lạm quyền) và ít có cảm tình dành cho ông này.

Bà Yingluck – nữ  Thủ tướng Thái Lan đầu tiên sau cuộc bầu cử 2011 – đã kêu gọi những người biểu tình thay vì đổ ra đường hãy ngồi vào bàn đàm phán để tránh đối đầu. Bà nói kinh tế Thái Lan hiện đang gặp nguy nan sau khi những người biểu tình chiếm trụ sở Bộ Tài chính vào ngày 25/11 vừa rồi.

Phe biểu tình xuống đường từ 1 tuần trước, mưu toan lật đổ chính phủ của bà Yingluck mà họ tin là chỉ phục vụ lợi ích của người anh trai bà – cựu Thủ tướng Thaksin.

Về ngắn hạn các cuộc biểu tình hiện nay có thể làm dấy lên nỗi lo sợ về tình trạng bất ổn hơn nữa giống như hồi năm 2006, 2008 và 2010 ở Thái Lan. Bạo lực leo thang có thể làm ảnh hưởng đến ngành du lịch mà mỗi năm đóng góp một khoản đáng kể vào ngân sách quốc gia này. Tuy nhiên nó cũng có thể làm suy giảm sức nặng trong các tuyên bố của phe đối lập rằng họ sẽ chỉ tiến hành chiến dịch phản đối dân sự bất bạo động.

Cựu Thủ tướng Thaksin, vốn là một ông trùm truyền thông, khẳng định những cáo buộc nhằm vào ông là mang động cơ chính trị. Dù đã bị hạ bệ và phải sống lưu vong, ông được cho là vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ đương nhiệm, đôi khi thông qua hệ thống webcam./.