Khoảng 30.000 người biểu tình đã phát động cái họ gọi là cuộc “đảo chính nhân dân” nhằm vào chính phủ Thái Lan vào hôm 1/12. Trong các cuộc đụng độ dữ dội, lực lượng biểu tình đã phá nhiều hàng rào dây thép gai và di dời hàng rào bê tông trước khi tràn vào nhiều cơ quan nhà nước, giành quyền kiểm soát hãng truyền hình PBS và buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải chạy khỏi trụ sở cảnh sát.

Khống chế các cơ quan đầu não

Một nhóm biểu tình đã khiến nữ Thủ tướng phải rời 1 tòa nhà mà bà có kế hoạch trả lời phỏng vấn truyền thông nằm ở bắc Bangkok, để sơ tán đến 1 địa điểm bí mật. Trước đó tại tòa nhà này, bà Thủ tướng đang cùng các tư lệnh cảnh sát theo dõi tình hình biểu tình.

nguoi%20bieu%20tinh%20thai%20lan%20wsj.jpg
Người biểu tình chống chính phủ. Trong ảnh, họ đang vẫy quốc kỳ Thái Lan và các dụng cụ tạo tiếng động khi họ tập hợp lực lượng tại Đài tưởng niệm Dân chủ ở thủ đô Bangkok (nguồn: AP)

Bên trong tòa nhà cảnh sát có thể nghe thấy những tiếng huýt sáo và la ó của người biểu tình. Vào khoảng giữa trưa 1/12, vài chục phần tử biểu tình đã đột nhập được vào khu vực trụ sở cảnh sát nói trên và lớn tiếng chỉ trích bà Yingluck là đại diện cho cựu Thủ tướng Thaksin.

Đương kim Thủ tướng Yingluck đã hủy các cuộc trả lời phỏng vấn trong lúc cảnh sát phải bắn hơi cay và phun vòi rồng để ngăn lực lượng biểu tình xâm chiếm khu phức hợp văn phòng chính phủ nằm giữa các ngôi đền và tòa nhà lịch sử ở trung tâm Bangkok, cũng như ngăn người biểu tình tràn vào trụ sở cảnh sát.

Phóng viên Reuters đợi chờ phỏng vấn bà Yingluck bên trong Cục Phòng chống Ma túy đã được 1 trợ lý của bà Yingluck thông báo rằng bà đã rời đi sau khi những người biểu tình đột nhập được qua vòng ngoài của Câu lạc bộ Thể thao Cảnh sát mà Cục Cảnh sát nói trên đóng trong đó.

Tại khu vực này các nhân viên cảnh sát căng thẳng lắng nghe mọi tiếng động từ phía người biểu tình tràn vào. Tuy nhiên 2 bên vẫn giữ khoảng cách nhất định. Nhiều người biểu tình có vẻ không biết bà Yingluck vừa mới ở chỗ này; họ nói họ muốn vào đây để ghìm chân và phân tán sự chú ý của càng nhiều cảnh sát càng tốt.

Trong 1 tuần nỗ lực lật đổ nữ Thủ tướng Yingluck và ảnh hưởng của gia đình bà đối với nền chính trị Thái Lan, các thủ lĩnh biểu tình đã tuyên bố ngày Chủ nhật này (1/12) là “Ngày Chiến thắng” và hối thúc lực lượng biểu tình chiếm 10 văn phòng chính phủ, 6 đài truyền hình, tổng hành dinh cảnh sát và các văn phòng thủ tướng trong cuộc “đảo chính nhân dân”.

Cuộc chiến đường phố

Những người biểu tình được trang bị đá và bom xăng đã làm tê liệt nhiều nơi ở Bangkok.  Trước đó, đêm 30/11 đã diễn ra các cuộc đấu súng và dao khiến 2 người thiệt mạng và ít nhất 54 người bị thương. Hai người bị chết bao gồm 1 người áo đỏ (ủng hộ chính phủ) bị bắn bên ngoài sân vận động vào sáng sớm hôm nay và 1 sinh viên 21 tuổi bị bắn chết trước đó vài giờ.

Cảnh sát cho biết những người biểu tình tụ tập tại ít nhất 8 địa điểm. Phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Piya Utayo phát biểu trên truyền hình cho hay binh sĩ đã được phái đến 1 khu phức hợp chính phủ bị phe biểu tình chiếm từ hôm 28/11 và đến Bộ Tài chính bị chiếm từ hôm 25/11.

Bên ngoài Cục Cảnh sát Thành phố (Bangkok), khoảng 3.000 người biểu tình tập trung và chửi bới lực lượng cảnh sát chống bạo động là tay sai của ông Thaksin – vốn cũng là 1 cảnh sát trước khi trở thành trùm truyền thông và bước vào lĩnh vực chính trị.

Khu vực cầu Chamai Maruchet ở phía bắc tòa nhà Chính phủ chứng kiến cảnh bạo động liên tục khi cảnh sát không ngừng bắn đạn hơi cay còn đám đông thì ném đá liên hồi.

Tại khu vực đài PBS, hơn 250 người biểu tình – chủ yếu mặc áo đen – tập hợp ở khu để xe còn số khác thì tuồn vào trong Đài. Một quan chức của PBS, Surachai Pannoi, cho biết ban quản lý đài này sẽ phải chia sẻ đường phát sóng với Blue Sky – 1 đài khác do Đảng Dân chủ đối lập kiểm soát, bắt đầu từ chiều nay (1/12).

Sinh viên đại học trong thành phố đã đập bể cửa sổ các xe bus chuyên chở những người áo đỏ, khiến chính quyền phải huy động gần 3.000 lính để ổn định tình hình trên các con phố Bangkok.

  >> Xem thêm: Máu đã đổ khi phe biểu tình cố lật đổ chính phủ YingluckTrong khi đó thủ lĩnh phe biểu tình, ông Suthep Thaugsuban – từng là phó thủ tướng trong chính phủ tiền nhiệm do đảng Dân chủ lãnh đạo, đã phớt lờ lời kêu gọi đối thoại của đương kim Thủ tướng Yingluck và xúi người biểu tình vi phạm luật để đạt được mục đích.

Ông Suthep kêu gọi thành lập “hội đồng nhân dân”, có chức năng chọn lựa ra “những người tốt” để lãnh đạo nhưng bà Yingluck đã bác bỏ đề xuất này. Thủ lĩnh Suthep hiện đối diện với các cáo buộc giết người khi quân đội dưới thời chính phủ tiền nhiệm của đảng Dân chủ đã trấn áp làm chết 91 người, đa phần là những người ủng hộ ông Thaksin.

Hiện 5 trung tâm mua sắm lớn của Bangkok đã đóng cửa, cho thấy tác động tiêu cực của các cuộc biểu tình gần đây lên nền kinh tế Thái Lan./.