Tình hình chính trị Thái Lan tiếp tục gia tăng bất ổn. Trưa 30/11, cuộc biểu tình chống Chính phủ do ông Suthep, cựu Phó Thủ tướng Thái Lan thuộc đảng Dân chủ đối lập đứng đầu, đã tiến hành chiếm giữ trụ sở của Cục Điều tra đặc biệt Thái Lan (DSI) và hai doanh nghiệp nhà nước về bưu chính - viễn thông tại khu vực sát Trung tâm Hành chính quốc gia ở Thủ đô Bangkok.

an-ninh-bangkok.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra an ninh những người biểu tình trước khi để họ tiến vào khu tổ hợp của Chính phủ ở Bangkok ngày 30/11 (Ảnh: AP)

Trước đó, tối 29/11, ban lãnh đạo cuộc biểu tình này đã tuyên bố thành lập "Ủy ban nhân dân vì sự thay đổi đất nước thành nền dân chủ hoàn hảo do Nhà Vua làm nguyên thủ" và ông Suthep làm Tổng Thư ký Ủy ban này.

Ông Suthep cũng tuyên bố từ nay tới ngày 1/12, sẽ nâng cấp biểu tình, tiến hành chiếm giữ Phủ Thủ tướng, Cơ quan Cảnh sát quốc gia, trụ sở các Bộ của Chính phủ và trụ sở chính quyền tất cả các tỉnh ở Thái Lan.

Trong khi đó, "Mặt trận dân chủ chống độc tài" (tức phe Áo Đỏ) cũng đã tuyên bố huy động lực lượng áo đỏ từ các địa phương về Bangkok trong ngày hôm nay để "bảo vệ Chính phủ và bảo vệ nền dân chủ".

Cùng ngày, Nữ Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Yingluck Shinawatra và lãnh đạo các cơ quan cảnh sát, an ninh của Thái Lan đã tuyên bố kêu gọi chấm dứt biểu tình và Chính phủ sẵn sàng tiến hành thương lượng với các phe phái nhằm giải quyết bất ổn.

Chính phủ Thái Lan cũng đồng thời tăng cường lực lượng cảnh sát, sẵn sàng đối phó với các cuộc biểu tình; tái khẳng định không sử dụng vũ lực song kiên quyết bảo vệ các công sở quan trọng của quốc gia.

Trung tướng Paradorn, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra đụng độ bạo lực giữa những người biểu tình chống đối và những người biểu tình ủng hộ Chính phủ.

Dư luận xã hội Thái Lan có phản ứng khác nhau về cuộc biểu tình chống Chính phủ đang gia tăng mức độ nghiêm trọng; song đa số ý kiến cho rằng người biểu tình không nên chiếm giữ các công sở, gây rối loạn trật tự xã hội, vì điều này gây nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội cho đất nước, làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.

Một số tổ chức, học giả Thái Lan lên tiếng kêu gọi Chính phủ và các phe phái sớm tiến hành thương lượng tìm giải pháp được các bên chấp nhận để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay./.