Sau loạt bài “Đình cổ Quang Húc kêu cứu vì bị trùng tu như phá”, VOV online đã nhận được phản hồi từ phía Sở VHTT&DL Hà Nội. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở khẳng định: “Chúng tôi rất cảm ơn VOV online đã kịp thời đưa thông tin này đến với công chúng và nhất là để cơ quan quản lý văn hóa của Thủ đô biết được”.
Ngày mai (25/3), Sở VHTT&DL sẽ cử đoàn kiểm tra đến đình Quang Húc để xử lý thông tin VOV online đã nêu và sẽ có phản hồi với dư luận và độc giả. “Với trách nhiệm của ngành, chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra và cử cán bộ về để kiểm tra cụ thể và sau đó sẽ có thông tin chính thức với đông đảo công chúng”, ông Trương Minh Tiến cho biết.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội. (ảnh: Trà Xanh) |
“Căn cứ vào sự việc, chúng tôi sẽ có những hướng dẫn cho huyện để kịp thời khắc phục để đảm bảo công trình sau khi tu bổ vừa đảm bảo các yếu tố của di tích gốc vừa phát huy tốt giá trị của di sản ở địa phương, tạo một nơi sinh hoạt cho nhân dân”, ông Tiến khẳng định.
Đình cổ Quang Húc (hay còn gọi là đình Bôm), thuộc xã Đông Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội), đã diễn ra nhiều sai phạm đáng tiếc trong công tác trùng tu. Đây là một ngôi đình cổ có nhiều giá trị cả về lịch sử và mỹ thuật được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII và cũng đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Theo Luật Di sản, việc tu bổ, tôn tạo phải tôn trọng giá trị nguyên gốc của di tích. Tuy nhiên, việc thay mới các hiện vật đã không đảm bảo chất lượng cũng như kích thước ban đầu trong quá trình trùng tu đình khiến cho nhiều người dân địa phương cũng như một số chuyên gia cảm thấy bức xúc trước thực trang đơn vị thi công trùng tu “sờ đâu sai đó”, “trùng tu mà như phá” ở đình Quang Húc.
Nghê cũ bị thay thế nghê mới không đúng kích thước ban đầu. (ảnh: Hoài Nam) |
Ông Trương Minh Tiến thừa nhận những bất cập trong việc kiểm tra năng lực của đơn vị thi công nói chung.
“Chúng tôi đã có tuyên truyền phổ biến Luật Di sản và nhất là Nghị định 70 và Thông tư 18 về hướng dẫn tu bổ di tích trên địa bàn. Trong quá trình thẩm định các dự án trùng tu có yêu cầu cụ thể. Thứ nhất là đơn vị tư vấn phải có năng lực, người chủ trì, thiết kế là phải đi tập huấn về nghiệp vụ tu bổ di tích”.
“Trong thời gian gần đây, nếu theo luật thì các đơn vị thi công đều phải được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng vì Nghị định 70 và Thông tư 18 cũng mới ra cho nên cũng chưa nhiều đơn vị được cấp chứng chỉ này trong khi một số các dự án cũng đã triển khai trước khi có thông tư”.
“Do vậy, trong quá trình triển khai chúng tôi cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã phải chú ý đến việc phải đảm bảo chất lượng, năng lực của các đơn vị thi công này. Tuy nhiên, việc thực hiện một cách đồng đều trên địa bàn thành phố thì vẫn chưa đạt và chúng tôi đang từng bước để triển khai việc này”.
Sắp tới, Sở VHTT&DL Hà Nội sẽ tăng cường tổ chức các đợt đi kiểm tra một số các công trình tu bổ để kịp thời uốn nắn những lệch lạc trong quá trình triển khai tu bổ di tích.
Ông Trương Minh Tiến khẳng định sẽ nhanh chóng kiểm tra và có kết luận về vụ việc trùng tu, tôn tạo ở đình Quang Húc để sớm có phương hướng khắc phục./.>> Mời đọc: Dân bức xúc vì trùng tu mà như phá đình cổ Quang Húc