Như VOV đã đưa tin, tại đình cổ Quang Húc (hay còn gọi là đình Bôm), thuộc xã Đông Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội), đã diễn ra nhiều sai phạm đáng tiếc trong công tác trùng tu. Đây là một ngôi đình cổ có nhiều giá trị cả về lịch sử và mỹ thuật được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII và cũng đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.Theo Luật Di sản, việc tu bổ, tôn tạo phải tôn trọng giá trị nguyên gốc của di tích. Tuy nhiên, việc thay mới các hiện vật đã không đảm bảo chất lượng cũng như kích thước ban đầu trong quá trình trùng tu đình khiến cho nhiều người dân địa phương cũng như một số chuyên gia cảm thấy bức xúc. Dưới đây là những hình ảnh về sai phạm gây bức xúc tại đình sau khi được trùng tu, tu sửa:
1-%20don%20vi%20thi%20cong.jpg

Đơn vị thi công là một công ty xây dựng thuần túy, và đơn vị thực hiện chỉ đạo việc tu bổ là Ban quản lý tu bổ, tôn tạo di tích LSVH đình Quang Húc

Gạch lát sân không đảm bảo chất lượng. Mới mưa ít ngày mà sân đình đã rêu mốc, trơn trượt.

Nghê mới được chạm trổ không đúng với kích thước và phong cách ban đầu
Trong khi, nghê cũ trên khám thờ là hiện vật vẫn còn khả năng sử dụng được
Tương tự là việc chạm lại xà khám thờ, xà cũ với những hoa văn họa tiết tinh tế, đậm chất dân gian vẫn tái sử dụng được hiện đang bị bỏ lại dưới gầm khám thờ

Những con xô, con kìm làm bằng đất nung trên mái đình đã bị biến mất, thay thế bằng hiện vật mới được đắp lại bằng xi măng gắn sành

Về quá trình ghép nối cột đình mới với cột cũ, kích thước cột mới không tương đương với cột cũ, do đó khi lắp lại với cấu kiện cũ, các cột này đều bị hụt so với mộng và bị đơn vị thi công bôi keo vào, nhằm xóa dấu vết

       Hơn nữa, trong cấu trúc di tích cổ, cột đình, đặc biệt là đình của khu vực miền Bắc thời Lê Trung Hưng nói chung thường đều rất to lớn, thường được làm theo kiểu “dáng đòng đòng”, 1/4 cột đình phía dưới bao giờ cũng là phần có dáng “phình ra” to nhất của cột. Từ đó làm chuẩn vuốt lên trên đỉnh còn 6 phần, vuốt xuống chân cột còn 8 phần. Cột mới được làm thẳng từ trên xuống dưới.

Nhiều cấu kiện chạm khắc bị lắp sai lệch hẳn so với ban đầu, cá biệt có cấu kiện chỉ được lắp gá, không ăn mộng vào đâu, thậm chí nếu bị tác động mạnh thì có thể rơi xuống, gây nguy hiểm cũng như gây sứt vỡ cấu kiện
Bức y môn hiện được treo cao hơn trước đây khoảng 60 cm, được sơn công nghiệp đỏ chói, chứ không phải là sơn ta, thếp vàng cổ truyền
Việc xuất hiện đôi sử tử đá kiểu Trung Quốc ở cổng đình cũng gây bức xúc cho nhiều người dân đặc biệt. Tuy nhiên, theo phản ảnh từ người dân, đôi sư tử đá cũng mới được gỡ bỏ sau bài viết phản ánh về sai phạm trùng tu đình trên VOV online