Vi phạm nguyên tắc cơ bản trong bảo tồn di tích

Như bài viết “Đình cổ Quang Húc ở Ba Vì kêu cứu vì…được trùng tu” VOV online đã đưa, trong quá trình trùng tu tại đình Quang Húc (hay còn gọi là đình Bôm), thuộc xã Đông Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội), đơn vị thi công đã để xảy ra nhiều sai phạm cơ bản, vi phạm những nguyên tắc cơ bản nhất của việc bảo tồn di tích là giữ nguyên gốc của di tích. 
0-%20dinh%20quang%20huc.jpg
Đình cổ Quang Húc ở xã Đông Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội)
Thay vào đó là sự chắp vá và những hiện vật mới tinh nhưng cẩu thả và không đúng kích cỡ ban đầu trong khi nhiều chi tiết có giá trị văn hóa lịch sử và mỹ thuật hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng. Ví dụ như nghê cũ bị thay bằng nghê mới. Xà, cột khi ghép vào rời nhau mấy phân, dột tứ tung. Mảng chạm cổ kính sơn bằng sơn ta nay thành tươi rói phản cảm vì sơn tây.

Nghê cũ bị thay thế nghê mới không đúng kích thước ban đầu
Sau khi VOV online phản ánh, đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc đã nhanh chóng được đơn vị thi công di dời, nhưng nhiều người dân xã Đông Quang vẫn tỏ ra khá bức xúc trước tình trạng hiện tại của đình.

Chiều ngày 22/3, khi chúng tôi trở lại đình Quang Húc đúng lúc đơn vị thi công chuẩn bị mang cặp nghê cũ đi và chứng kiến sự quyết tâm của dân làng mong muốn giữ lại cặp nghê cũ cũng như mong muốn tiếp tục sử dụng một số dầm xà có hoa văn tinh xảo còn dùng được.

Quá trình thi công thiếu giám sát, nghiệm thu công đoạn

Ông Ngô Văn Lưu
Theo Ông Ngô Văn Lưu – Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc, kiêm trưởng Ban thanh tra giám sát xã Đông Quang cho biết, trong quá trình trùng tu, từ lúc phần móng, phần dựng, phần lợp thấy chưa hoàn chỉnh, Ban thanh tra đã kiến nghị bằng văn bản thông qua Đảng ủy, UBND xã, Ban Văn hóa - Thông tin của xã.

“Công trình trùng tu này thực tế từ Ban thanh tra giám sát, không phải là thành phần nào trong công tác chỉ đạo. Vì thế, không có nghiệm thu công đoạn. Nhà thầu 1 số làm gỗ lạt tại đây, một số mua ở nơi khác đem về làm. Ban thanh tra giám sát đã 3 lần kiến nghị bằng văn bản, có thành phần đầy đủ như Bí thư chi bộ, trưởng thôn, Ban công tác mặt trận…”, ông Ngô Văn Lưu cho biết.

“Cụ thể, hiện trạng trùng tu như các mộng, mạng không đảm bảo kỹ thuật, đặc biệt những hoành đòn tay, chúng tôi đều thấy lo. Vì những cái xà, hoành này rất nặng, mà đơn vị thi công cắt khoét mộng, có cái chỉ còn 1 - 1,5cm, không đảm bảo an toàn. Còn xà ban trước cửa đình vốn được đục liền thì khi trùng tu, nhà thầu cho thợ đục rời rồi lắp ghép, dán và đóng đanh…”.

Bức xúc vì dân không được tham gia góp ý

Một thành viên khác của Ban thanh tra xã Đông Quang, là ông Nguyễn Văn Long, 65 tuổi, cũng bức xúc: “Chi phí cho công tác trùng tu đình được Nhà nước đầu tư. Dân chúng tôi rất biết ơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tu bổ, chính quyền cấp huyện và địa phương đều chưa giám sát một cách chặt chẽ. Vì thế, đơn vị thi công đã tự ý thực hiện thay đổi một số cấu kiện. Trong khi, người dân lại không được tham gia góp ý tu bổ. Từ đó, mới dẫn đến tình trạng sai phạm trong quá trình trùng tu như vậy. Đáng lẽ, công trình thực hiện phải có nghiệm thu từng công đoạn”.

Ông Nguyễn Văn Long
Ngoài ra, cũng theo phản ánh từ ông Nguyễn Văn Long, trong quá trình thi công còn có dấu hiệu “rút ruột” công trình. Nền gạch ở sân đình tuy mới lát đã trở nên rêu mốc, đọng nước thành vũng và ẩm ướt. Nền gạch trong lòng đình được lát không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, vì trong quá trình lát gạch, đơn vị thi công không đổ bê tông vào để lát mà chỉ đổ cát vào lát. Còn những cây cột ở đình được thay mới với số lượng 13 – 14 cây cũng không đảm bảo đúng như kích thước ban đầu.

“Trong bản thiết kế, cột đình là loại cột có vanh 450 cm, nhưng đơn vị thi công chỉ thay thế bằng loại cột có vanh 420 – 430 cm. Hơn nữa, phần tàu mái ở đình theo bản thiết kế dày 12 cm, nhưng họ chỉ thay thế bằng loại dày 10 cm. Thực tế, phần tàu mái ở cấu kiện trước đây của đình còn dày tới 30 cm. Ngoài ra, theo bản thiết kế, đình có 10 cột đèn, mà đơn vị thi công chỉ thực hiện làm có 4 cột. Hệ thống phòng chống và chữa cháy cũng không có. Tường rào xây xung quanh khuôn viên đình được đào móng xây xong không lấp, tạo thành giao thông hào. Như vậy sẽ không đảm bảo độ bền và độ an toàn cho công trình”, ông Nguyễn Văn Long cho biết.

Mong Thánh không phải đi ở nhờ…

Ông Nguyễn Văn Lợi, 70 tuổi, là một người dân địa phương sống gần đình Quang Húc, bày tỏ: “Tôi sinh sống ở khu vực gần đình đã 70 năm. Tôi thấy công trình thực hiện như vậy là không chấp nhận được. Cột đình ghép mộng không khớp, gỗ thì thiếu thể, lắp các hiện vật lên nhìn bung biêng, tôi chỉ lo bị rơi, xảy ra tai nạn. Khi dựng, đơn vị thi công còn không lợp mái tôn che, để nước mưa thấm hết vào những cột rỗng. Như vậy sẽ không giúp công trình được đảm bảo lâu dài”.

Người dân thậm chí còn bức xúc cho rằng việc tu bổ và thay đổi cấu kiện ở đình đã khiến “Thánh phải đi ở nhờ lâu”… ./.Một số hình ảnh đình Quang Húc do VOV online ghi lại vào sáng ngày 23/3:

Trong khi thanh xã cũ bị vứt dưới gầm khám thờ còn đẹp với hoa văn, họa tiết tinh xảo thì đơn vị thi công đã cho thay bằng thanh xà mới, với màu sơn công nghiệp, không phù hợp với một ngôi đình cổ
Sân đình đọng nước sau trận mưa 

Cửa đình hẹp, gây khó khăn cho những người vào lễ

Vì ngói cũ của đình đã bị thợ đạp xuống khi hạ giải, nên cả đình chỉ còn tận dụng được bây nhiêu ngói cũ. Phần viền sáng màu nổi lên ở giữa là mái mới.

Đôi nghê cổ suýt bị đơn vị trùng tu đem dỡ bỏ để làm lại đôi mới, nhưng được một số người dân của xã kiên quyết giữ lại, không cho mang đi để tái sử dụng
>> Xem thêm: Những hình ảnh Đình cổ Quang Húc kêu cứu vì...được trùng tu