Đình Quang Húc (hay người dân địa phương còn gọi là đình Bôm) là một ngôi đình đẹp của xứ Đoài, đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII. Cùng với thời gian, ngôi đình đã trở nên xuống cấp nên được đầu tư trùng tu từ cách đây hơn 3 năm. Tuy nhiên, trong quá trình trùng tu khi đó, đã xảy ra hàng loạt sai phạm đáng tiếc, gây bức xúc.
Đình Quang Húc tại xã Đông Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội) |
Những người hiểu biết về văn hóa, lịch sử và di tích đều biết xưa nay, nền sân đình được lát không bao giờ để lát mạch gạch đâm hướng vào phía trong Đại đình. Nhưng ở đình Quang Húc, việc lát gạch lại bị thi công cẩu thả, tùy tiện, hướng mạch gạch đâm thẳng vào chính diện đình. Đây cũng là điều tối kỵ trong quan niệm phong thủy của người dân Việt Nam xưa kia. Vì thế, hệ thống gạch lát sân đình đã được đơn vị thi công cho bóc lên lát lại, không còn việc mạch gạch đâm hướng vào Đại đình như trước.
Nhưng gạch lát sân lại không đảm bảo chất lượng, trải qua những ngày thời tiết mưa ẩm thấp vừa qua, sân đình đã trở nên rêu mốc, trơn trượt. Cả mái ngói đình mới cũng bị rêu mốc khi còn chưa nghiệm thu bàn giao. Thời gian thi công mái đình diễn ra “dai dẳng” trong vòng 5 năm trong khi theo dự kiến chỉ kéo dài 2 năm, khiến đình bị dột khi mưa xuống ảnh hưởng không tốt đến di tích.
Sân đình sớm bị rêu mốc dù mới được lát gạch mới |
Theo phản ánh từ một số người cao tuổi của làng Quang Húc, trước đây, trên mái đình có những con xô, con kìm làm bằng đất nung. Hiện nay, hình ảnh những con vật này đã bị “biến mất” và bị thay thế bằng những hiện vật mới bằng xi măng gắn sành. Thậm chí, cả hình ảnh rồng bằng đất nung trước kia được gắn trên đầu đao đình cũng “biến mất” một cách khó hiểu.
Bên cạnh đó, trong quá trình thi công ở đình Quang Húc, một số cấu kiện của đình dù mới được trùng tu đã nhanh chóng gặp phải vấn đề. Trong hệ thống cột của đình, một số cột mới được ghép nối với cột cũ, thay thế những cột, xà bị hư hỏng nặng. Nhưng kích thước cột mới không tương đương với cột cũ. Do đó, khi lắp lại với cấu kiện cũ, các cột này đều bị hụt so với kích thước ban đầu. Điều đáng nói là những vị trí bị hụt đó lại bị đơn vị thi công bôi keo vào một cách cẩu thả, nhằm “xóa” dấu vết. Thậm chí, nhiều cấu kiện chạm khắc bị lắp sai lệch hẳn so với ban đầu, cá biệt có cấu kiện chỉ được lắp gá, không ăn mộng vào đâu, dễ gây nguy hiểm khi rơi xuống cũng như gây sứt vỡ cấu kiện.
Nhiều cấu kiện chạm khắc bị lắp cẩu thả, sai lệch so với kích thước ban đầu |
Cũng nói thêm về chất lượng gỗ, nhiều bộ phận được thay mới trong đình đều có gỗ bị bám giác. Những phần gỗ giác đó là những phần dễ bị mối mọt gặm nhấm nhất. Nhưng theo quan sát, hầu khắp các cấu kiện được thay thế trong đình, từ rui, hoành, xà, cột lại đều được làm bằng những cấu kiện không đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ này… Đây là điều rất nguy hại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của công trình.Đặc biệt, bức y môn của đình hiện nay được treo cao hơn trước đây khoảng 60 cm, bị sơn công nghiệp đỏ chói, chứ không phải là sơn ta, thếp vàng cổ truyền. Trong khi, nhiều hình chạm khắc đẹp ở y môn như hình chim phượng, hình nghê,… lại bị vứt bỏ và hiện đang mục nát do nằm trên đống cát phía ngoài sân đình.
Bức y môn của đình bị sơn công nghiệp đỏ chói |
Sư tử đá kiểu Trung Quốc lại "chễm chệ" trước cửa đình Quang Húc |