Cách đây một năm, việc 78 hộ dân ở làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) ký đơn xin trả lại danh hiệu Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia được dư luận rất quan tâm. Sự việc này đã được UBND thành phố Hà Nội và các bộ, ngành chức năng quan tâm, chỉ đạo để vừa bảo tồn, phát huy giá trị di tích, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân. Phóng viên VOV đã trở lại Đường Lâm để ghi nhận về chuyển biến ở ngôi làng cổ nổi tiếng này trong một năm qua.

Nơi lưu giữ hồn làng Việt cổ

Đứng dưới gốc đa 500 tuổi ở cổng làng cổ Đường Lâm, ngắm nhìn ao sen đang nở rộ, rồi bước qua cánh cổng gỗ ở đầu làng, bước từng bước trên con đường lát gạch đỏ, ngắm những bờ tường xây bằng đá ong, mới thực sự cảm nhận được sự thanh bình ở nơi đây. Làng cổ Đường Lâm, nơi đại diện cho 9.000 ngôi làng ở Việt Nam lưu giữ hồn làng Việt cổ, ngày càng thu hút khách du lịch. Năm ngoái, di tích làng cổ Đường Lâm đón 13 vạn khách thăm quan, 6 tháng đầu năm nay đón 9 vạn khách tới thăm, trong đó có những du khách nước ngoài đều ấn tượng sâu sắc về cảnh sắc nơi đây.

mua_gat_o_lang_co_duong_lam_9_vkjq.jpg 

Làng cổ Đường Lâm đã trở thành điểm du lịch thu hút nhiều du khách, trong

đó có du khách nước ngoài (Ảnh: Hà Thành)

Người dân Đường Lâm cũng cảm thấy vinh dự khi vào ngày 18/2 năm nay, UNESCO đã trao giải Bảo tồn di sản văn hóa năm 2013 cho Dự án “Bảo tồn nhà cổ truyền thống tại Làng cổ Đường Lâm", vì đã trùng tu thành công 5 công trình cổ ở Đường Lâm gồm: Cổng làng Mông Phụ, chùa Ón, nhà thờ Giang Văn Minh, Nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng, nhà cổ của ông Hà Văn Vĩnh.

Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ đời thứ 12 của ngôi nhà cổ nhất ở Đường Lâm với 400 tuổi đời cho biết, có những ngày gia đình ông đón rất nhiều khách tới thăm quan. Gia đình ông bán cho khách sản phẩm chè lam gia truyền và phục vụ những bữa cơm quê do khách đặt với giá trung bình khoảng 100.000 đồng/suất.

Tại làng cổ Đường Lâm, còn có một số điểm để người dân trình diễn nghề làm chè lam, bánh kẹo, làm tương... bán cho khách du lịch, cải thiện thu nhập cho chính họ. Đó là mảng sáng trong bức tranh du lịch của làng cổ Đường Lâm.

Người dân vẫn muốn trả lại danh hiệu

Mặc dù có nhiều cơ hội để phát triển du lịch như vậy, nhưng bức tranh nơi đây vẫn còn những mảng tối, chủ yếu xuất phát từ sự bức xúc của người dân khi phải "sống khổ" trong di sản. Tại đây, không ít người vẫn một mực muốn xin được trả lại danh hiệu Di tích lịch sử Quốc gia.

Gia đình bà Hà Thị Khanh (59 tuổi) ở xóm Đình, thôn Mông Phụ, có 8 người, sống trong 1 tầng với diện tích 70 mét vuông. Tầng 2 của ngôi nhà đã bị dỡ xuống và giờ chỉ còn lại đống sắt thép. Bà Hà Thị Khanh bức xúc cho biết: “Bây giờ chúng tôi vẫn mong muốn trả lại danh hiệu Di tích. Vì chúng tôi không nhận được gì cả. Mọi hoạt động của gia đình còn thường xuyên bị kiểm tra. Cứ bắt chúng tôi ở nhà cấp 4 lụp xụp, con cháu tôi cũng không chịu”.

 

Bà Hà Thị Khanh bên đống sắt thép dỡ từ tầng 2 của ngôi nhà (Ảnh: Mai Hồng)

Còn cụ ông Nguyễn Trọng Niêm (89 tuổi) cho biết, ngôi nhà của ông có tuổi đời cổ đến 200 năm nhưng không được công nhận là di tích. Gia đình ông, cũng như nhiều gia đình ở làng không được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch. Vì đến làng, du khách thường chỉ đến đình Mông Phụ, chùa Ón và một số gia có nhà cổ, trong khi gia đình ông và phần lớn các gia đình khác không có khách ghé thăm. Hiện tại, chỉ có một số gia đình có nhà cổ được hỗ trợ mức tiền từ 150.000 – 400.000 đồng/tháng, còn các gia đình khác trong làng không được hỗ trợ gì.

Về dự án giãn dân trong làng, bà Vũ Thị Thu, một người dân của làng chia sẻ: "Dự án giãn dân đưa chúng tôi ở xa. Nhưng ruộng đồng của chúng tôi quanh ở đây. Cách nhau mấy cây số nên chúng tôi không nhất trí việc giãn dân như thế”.

Ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng Ban Quản lý di tích Đường Lâm cũng bức xúc không kém người dân vì có quá nhiều cái khó trong việc quản lý di tích Đường Lâm: “Làng cổ Đường Lâm là một di sản sống, với 1.500 hộ dân và 6.000 người dân đang sinh sống. Người ta phải có chỗ tái định cư cho cả người sống và người đã khuất. Trong khi, chúng tôi lại không được quy định hướng dẫn về việc đó. Có những nhà cổ gồm 3-4 thế hệ trong gia đình sống với nhau, nhưng chỗ ở thì không được xây dựng, mở rộng. 10 năm nay cơ chế giãn dân vẫn chưa thực hiện được”.

“Một loạt cơ chế đưa ra mà chúng tôi lực bất tòng tâm, tôi được giao quyền bảo vệ di sản nơi này, đại diện cho hồn Việt của 9.000 làng ở Việt Nam. Nhưng tôi không phải người quyết định được toàn bộ”, ông Sơn tỏ ý băn khoăn./.

Ngày 7/3/2014, tại UBND thị xã Sơn Tây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phối hợp với Sở VHTT&DL thành phố Hà Nội và UBND thị xã Sơn Tây tổ chức hội nghị công bố và bàn giao hồ sơ quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, tỉ lệ 1/2000.

Quy mô là hơn 164 ha ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch trùng với ranh giới vùng bảo vệ của di tích làng cổ Đường Lâm. Trong đó, phạm vi quy hoạch bảo tồn trọng tâm nằm trong ranh giới quy hoạch thôn Mông Phụ là 14,6 ha. Quy mô dân số dự kiến đến năm 2020 đạt 7.000 dân và khách du lịch khoảng 200.000 khách/năm.

Điều đáng chú ý ở Quy hoạch là không chỉ bảo tồn cấu trúc không gian, kiến trúc nhà ở, di tích mà làng cổ còn được bảo tồn cả phương thức xây dựng truyền thống, các giá trị phi vật thể như lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống, nghề truyền thống (làm tương, làm bánh kẹo..), các mối quan hệ cộng đồng như dòng họ, xóm giềng... cũng được quan tâm gìn giữ. Ngoài ra, một số yếu tố cấu thành nên không gian làng cổ đã mất như lũy tre, ao làng cũng được khôi phục phù hợp./. 

Đón đọc bài 2:Bao giờhết cảnh "sống khổnhư dân làng cổĐường Lâm"?