Chiều 17/11, tại Tokyo, Thị xã Sơn Tây thành phố Hà Nội và Trường Đại học nữ Showa của Nhật Bản đã phối hợp tổ chức hội thảo về làng cổ Đường Lâm.
Với chủ đề “Suy nghĩ về các giá trị của Làng cổ Đường Lâm”, hội thảo đã trở thành nơi để các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản nêu bật giá trị đặc trưng của Đường Lâm. Giá trị đó không chỉ nằm ở những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm mà nó còn bao gồm các lễ hội truyền thống, các món ăn đặc sản dân dã, cảnh quan nơi ở và cả những mối quan hệ dòng họ, nét sinh hoạt của gia đình.
Giáo sư Hiromichi Tomoda, Giám đốc Viện nghiên cứu Văn hóa Quốc tế thuộc Trường Đại học nữ Showa, người đã có nhiều năm tham gia vào dự án bảo tồn Làng cổ Đường Lâm cho rằng ngôi làng là một “bảo tàng sống” về nông thôn truyền thống của Việt Nam.
“Làng Đường Lâm hoàn toàn xứng đáng là một di sản thế giới Ngôi làng có trong mình đầy đủ những yếu tố của một di sản thế giới xét cả về lượng và chất thể hiện ở các yếu tố như những ngôi nhà truyền thống, cảnh quan của ngôi làng. Ngôi làng cũng có rất nhiều những giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng của Việt Nam mà người Việt Nam nào cũng phải thừa nhận.” – ông Tomoda nói.
Một góc của làng cổ Đường Lâm (Ảnh: Hoàng Thịnh). |
Giáo sư Tomoda ủng hộ việc đề cử Đường Lâm vào di sản văn hóa thế giới của Unesco bởi điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng công tác bảo tồn. Theo giáo sư Tomoda, không phải cứ có nhiều tiền là bảo tồn sẽ tốt hơn. Quan trọng nhất là phải có phương pháp bảo tồn đúng và trình độ bảo tồn cao.
Giáo sư Tomoda cho rằng việc đưa ra mục tiêu trở thành di sản thế giới sẽ là một động lực giúp nâng cao trình độ bảo tồn. Tuy nhiên, giáo sư Tomoda cảnh báo nếu không tích cực thúc đẩy công tác bảo tồn, chỉ sau 10 năm nữa chúng ta sẽ chứng kiến rất nhiều giá trị của ngôi làng biến mất hoặc suy giảm.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam cùng chia sẻ kinh nghiệm về việc phát triển du lịch nhằm bảo tồn di sản. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản, làng Đường Lâm đã tổ chức một số dịch vụ du lịch đem lại thu nhập tốt cho người dân như dịch vụ ăn uống, trải nghiệm cuộc sống cùng dân làng, làm bánh kẹo truyền thống của làng.
Theo ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm, trong những năm gần đây, lượng du khách đến Đường Lâm tăng nhanh. Năm 2008 mới đạt khoảng 30 nghìn khách nhưng chỉ sau 3 năm, con số này đã tăng gấp 3 lần. Ông Sơn cho biết: “Phía Nhật Bản và chúng tôi đang phát triển di tích làng cổ Đường Lâm để thu hút khách du lịch đến thăm quan di tích. Từ phát triển du lịch, chúng tôi sẽ tạo ra cho người dân làng những lợi ích. Người dân sống trong di tích và hưởng lợi từ di tích thì chắc chắn người dân sẽ cùng chúng tôi bảo tồn bằng được làng cổ Đường Lâm”./.