Sáng 21/5, tại UBND Thị xã Sơn Tây, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức buổi làm việc nghe báo cáo công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Tới dự và chỉ đạo có ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Làng cổ Đường Lâm có đặc thù là “một di tích sống” nên trong quá trình quản lý, bảo tồn còn gặp nhiều vấn đề khó khăn, bất cập, trong đó có nhiều vấn đề vượt quá khả năng, thẩm quyền của thị xã Sơn Tây.Trong thời gian qua, UBND thị xã Sơn Tây, xã Đường Lâm và các đơn vị liên quan đã có nhiều cố gắng trong việc giữ gìn, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm theo Luật Di sản Văn hóa và Luật Xây dựng. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo tồn di tích còn nhiều hạn chế và bất cập: chưa hoàn thiện Quy hoạch và các cơ chế chính sách đặc thù cho việc bảo tồn di tích; người dân vẫn chưa được hưởng quyền lợi tốt nhất từ việc phát huy giá trị của làng cổ; mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, nhất là việc xây dựng, sửa chữa các hạng mục công trình nhà ở bị xuống cấp… gây bất đồng ngay với người dân hiện đang sinh sống.
Một góc làng cổ Đường Lâm (Ảnh: Hà Thành). |
Thay mặt các hộ dân ở Đường Lâm gửi bản kiến nghị thời gian qua, chị Giang Tú Oanh, ở thôn Mông Phụ đưa ý kiến: "Phải cấp đất giãn dân cho dân chúng tôi, phải cho chúng tôi làm nhà 2 tầng trên lợp mái ngói, không bắt dân xin giấy phép làm nhà rườm rà, phải cho con em trong làng bán vé du lịch".
Những tồn tại trên bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan do nguồn lực đầu tư hạn hẹp, đây là mô hình và phương thức bảo tồn làng cổ đầu tiên, chưa có tiền lệ nên rất khó khăn. Trong buổi làm việc sáng 21/5, đại diện các nhà khoa học về bảo tồn di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu những ý kiến, giải pháp gìn giữ được giá trị cốt lõi của Làng cổ. PGS - TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đưa ra giải pháp: "Làng cổ Đường Lâm là một trong những làng hiếm có của Việt Nam, không chỉ độc đáo ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Chúng ta hãy xét xem cái cần giữ ở Đường Lâm là gì. Cái mà Đường Lâm cần giữ chính là cảnh quan sinh thái nhân văn của làng cổ, làng nông nghiệp. Thứ hai là cấu trúc không gian của làng cổ, thứ ba là các di tích tiêu biểu. Cuối cùng chính nếp sống, lối sống của người dân địa phương ở đây trở thành đối tượng hấp dẫn cho du lịch trong tương lai".
Công tác chỉ đạo của UBND thị xã Sơn Tây, UBND xã Đường Lâm thời gian qua còn thiếu tập trung, chưa quyết liệt; chưa có sự phối hợp thường xuyên giữa các sở, ban, ngành thành phố. Trong cuộc họp này, nhiều sở chức năng cũng đã nhận khuyết điểm và đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm chuẩn hóa chức năng các đơn vị liên quan. Theo ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội thì nên giao việc xem xét xây dựng nhà của dân cho thị xã và theo hướng xây dựng mô hình phù hợp với cảnh quan môi trường. Còn các di tích phải thực hiện theo Luật Di sản, phải qua những bước chặt chẽ nếu không chúng ta sẽ vi phạm. Ông Long cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND thị xã Sơn Tây phối hợp với các sở, ngành sớm hoàn thiện quy hoạch, bởi có quy hoạch mới thực hiện tiếp các việc tiếp theo.
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại và tiếp tục thực hiện tốt Dự án bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài. UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu thị xã Sơn Tây, các sở, ban, ngành nhanh chóng tổ chức đối thoại, gặp gỡ, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của nhân dân về công tác bảo tồn di tích; trong phạm vi thẩm quyền được giao, giải quyết ngay những vấn đề nhân dân đang bức xúc; những vấn đề khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền khẩn trương báo cáo, đề xuất UBND Thành phố xem xét giải quyết.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc (ảnh: Hải Yến). |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ: "Trong thời gian vừa qua chúng ta có ý định làm hay mong muốn làm nhưng mà làm chưa được. Đó là việc chưa quan tâm rốt ráo, kịp thời đối với việc đề ra cơ chế, chính sách phù hợp với một di sản văn hóa có tính chất đặc thù rất cao. Bất cập có phần trách nhiệm của các cấp, các ngành. Nếu nói Trung ương thì là Bộ chậm trễ kể cả đôn đốc, nhắc nhở, phối hợp. Đây là việc lớn, việc khó, chúng ta cũng phải tháo gỡ dần dần, phải có lộ trình, phải có bước đi. Cần có những cơ chế cho người dân cấp phép được sửa chữa, tu bổ nhà ở…cần tiếp tục lắng nghe người dân, cả ý kiến đồng tình và không đồng tình. Cần phải thực hiện các việc theo 2 tiêu chí là thực hiện theo Luật di sản và phù hợp với nguyện vọng của người dân Đường Lâm".Nhà văn hóa nổi tiếng E. Herriot đã từng nói “Văn hoá là cái còn lại khi ta quên tất cả, là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả”. Giá trị của Làng cổ Đường Lâm chỉ tồn tại khi nó là một di tích sống, khi nó mang trong mình cuộc sống thường nhật từ bao đời nay của cư dân địa phương. Và khi Làng cổ trở thành một di sản như Đường Lâm đã và đang có được, nó phải được gìn giữ, bảo tồn bởi các cấp Chính quyền, các cơ quan chức năng và của chính người dân Đường Lâm cùng chung tay gìn giữ./.