Những ngày qua, câu chuyện một số hộ dân sinh sống ở Đường Lâm trả lại "danh hiệu" di sản đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Làng cổ Đường Lâm là nơi hội tụ những đặc điểm tiêu biểu của nền văn hóa đồng bằng Bắc bộ và châu thổ sông Hồng với nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Đây được xem là viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa và được xếp hạng di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia. Tuy nhiên, với đặc thù là một “di tích sống” nên trong quá trình quản lý, bảo tồn còn gặp nhiều vấn đề khó khăn, bất cập, dẫn đến những bức xúc của người dân.

Xung quanh vấn đề này, các nhà khoa học về bảo tồn di sản cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm bảo lưu những giá trị quý báu, bảo đảm lợi ích dân sinh.

Ông Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản Văn hóa Quốc gia cho biết, việc xếp hạng di tích là sự ghi nhận đối với giá trị hiếm có, độc đáo của Đường Lâm, chứ không phải xếp hạng để làm khó cho dân.

“Tôi chia sẻ với những bức xúc của người dân. Tôi nghĩ, bức xúc này tích tụ từ nhiều vấn đề. Nhưng đã là di tích, dù là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia hay di sản thế giới thì vẫn phải tôn trọng Luật Di sản văn hóa và các luật có liên quan. Di sản văn hóa là một tài sản không chỉ để giáo dục truyền thống, giáo dục văn hóa mà thực sự nó còn là giá trị vật chất và nguồn lực rất quan trọng để chúng ta có thể chuyển đổi cơ cấu làm cho đời sống nhân dân tốt hơn” – ông Lưu Trần Tiêu cho biết.

giaiphapdl.jpg
Các nhà khoa học nêu ý kiến tại hội nghị bàn về giải pháp bảo tồn làng cổ Đường Lâm (ảnh: Đào Yến)

Bức xúc của người dân làng cổ Đường Lâm xuất phát từ việc họ bị hạn chế trong việc xây dựng, cơi nới nhà ở dẫn đến sinh hoạt khó khăn. Ngoài ra, việc thu phí phục vụ du lịch, quy hoạch chung cho vùng di sản, giãn dân ở vùng trung tâm di tích... cũng còn những bất cập, hạn chế. Để đảm bảo những nhu cầu thiết thực và chính đáng của người dân nhất thiết phải có quỹ đất giãn dân và kế hoạch giãn dân.

Theo Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long, việc trước mắt là phải làm nhanh quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết để có cơ sở tổ chức, quản lý, bảo tồn và phát huy di tích. Việc giãn dân cũng cần phân loại, các hộ có nhà cổ loại đặc biệt, nhà cổ loại 1 và nhà truyền thống cần có chế độ giãn dân khác nhau. Đồng thời, xây dựng nguyên tắc, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí trong việc giao đất giãn dân, tu bổ, sửa chữa nhà ở cho các hộ dân trong khu vực bảo tồn di tích.

Về vấn đề xây dựng, kiến trúc tại làng cổ, ông Trị cho biết: “Đương nhiên những nhà trọng điểm bảo tồn thì không thể cho cơi nới lung tung được. Còn những nhà không phải là nhà cổ, theo tôi thì khu vực 1 có thể cơi nới cho lên 2 tầng theo thiết kế được duyệt, nhất thiết phải có mái ngói của một cái nhà nông thôn đồng bằng bắc bộ. Phát triển thì phải văn minh hiện đại một chút nhưng không ảnh hưởng đến toàn bộ cảnh quan, kiến trúc của làng cổ”.

Trên thực tế, đại đa số người dân Đường Lâm chưa được hưởng quyền lợi tốt nhất từ việc phát huy giá trị di tích. Theo báo cáo “Tình hình, kết quả công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm” của UBND thị xã Sơn Tây, người dân sống trong khu vực di tích làng cổ chủ yếu bằng nghề nông nghiệp từ nhiều đời nay, vì vậy kinh tế còn rất khó khăn. Sau 8 năm được công nhận di tích cấp quốc gia, việc tham gia vào hoạt động dịch vụ, du lịch để phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như phát triển kinh tế chung của địa phương còn rất hạn chế.

Thiết nghĩ, khi quyền lợi chưa thấy đâu, chỉ thấy những khó khăn, bức xúc về chỗ ở, muốn xây dựng sửa chữa phải qua những thủ tục rườm rà thì việc xin trả lại danh hiệu không phải là khó hiểu.

Bảo tồn làng cổ đường lâm phải gắn liền với lợi ích dân sinh (Ảnh: Hà Thành)

Theo ông Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch hội Di sản Văn hóa Việt Nam, cần phải có đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, gắn với phát triển các mô hình du lịch, dịch vụ ở Đường Lâm để tạo ra các sản phẩm du lịch nhằm đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn di tích của người dân.

“Đây là một di tích sống mà đại bộ phận là sở hữu tư nhân ở một vùng làng quê nông nghiệp. Để cho di tích ấy có sức sống thì không chỉ giữ chúng nguyên trạng, nguyên gốc mà phải làm sao cho làng quê nông nghiệp được sống bằng chính nghề nông. Kinh tế nông nghiệp và nghề khác ở Đường Lâm biến đổi như thế nào phải để người dân hiểu rằng, nhờ có xếp hạng mà được thay đổi cả về đời sống vật chất, điều kiện sống, cả về đời sống văn hóa tinh thần thì người dân mới tự nguyện bảo tồn” – ông Đặng Văn Bài cho biết.

Quả thực, vấn đề làm thế nào để người dân sống được trong di tích rất cần các cấp, các ngành quan tâm giải quyết thỏa đáng. Di sản Đường Lâm không phải chỉ còn là của bà con Đường Lâm mà còn là di sản của quốc gia. Việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy những giá trị về mặt văn hóa, nghệ thuật, lịch sử của di tích này là trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhân dân Đường Lâm và cả cộng đồng./.