Triển lãm “Nét xuân 2016- Di sản văn hóa tranh dân gian Việt Nam” giới thiệu khoảng 200 tài liệu, hiện vật cổ, tư liệu, phim ảnh có giá trị về văn hóa tranh dân gian và gốm Nam Bộ Việt Nam được nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hoà, chủ nhân Bảo tàng tư nhân gốm sứ Hà Nội dày công sưu tầm, tuyển chọn, nghiên cứu và phục dựng trong 6 năm qua.
Tại triển lãm, công chúng thủ đô và du khách được chiêm ngưỡng một bộ sưu tập tranh dân gian Việt Nam với các dòng tranh đặc sắc như: Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Làng Sình… Đặc biệt, lần đầu tiên dòng tranh Đồ Thế và tranh Kính Nam Bộ được giới thiệu tới người xem.
Tố nữ - Tranh dân gian Hàng Trống |
Chia sẻ về triển lãm, bà Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết: “Dân tộc ta có truyền thống là cứ mỗi một dip Tết đến, xuân về thì thường trang trí lại nhà cửa và có phong tục là mua tranh Tết về treo để cho ấm cúng và cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng, tốt hơn và đẹp hơn năm cũ. Chính vì vậy mà tổ chức tranh dân gian vào mỗi một dịp Tết thì mỗi người chúng ta đều hướng về gia đình, về truyền thống và cuội nguồn. Và khi mà trái tim đã xúc cảm như thế thì người ta thì người ta sẽ đồng điệu với những bức tranh dân gian mà tôi trưng bày ngày hôm nay.”
Bên cạnh giới thiệu các bộ sưu tập tranh dân gian, triển lãm còn trưng bày các tư liệu phim, ảnh về nghệ nhân và các làng nghề, các dòng tranh dân gian; sưu tập mộc bản tranh làng Sình cổ, sưu tập bản khắc tranh Kim Hoàng, trình diễn kỹ thuật in, vẽ tranh Đông Hồ, hàng Trống.
Trạch trấn trạch Khơ- me- Tranh Kính Nam bộ |
Tham dự triển lãm, họa sĩ Trang Thanh Hiền cho biết, cuộc triển lãm lần đầu tiên giới thiệu một bộ sưu tập tranh hội tụ rất nhiều các dòng tranh khác nhau từ tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, làng Sình, tranh kính Nam Bộ, tranh thờ của người Dao….
“Có thể nói đây là một diện mạo của văn hóa cổ của người Việt mà ở đó nó thể hiện nét tinh hoa của văn hóa như nghệ thuật về khắc gỗ, vẽ tranh, nghệ thuật sử dụng màu tự nhiên rồi kỹ thuật làm giấy như thế nào thì tất cả những cái đấy nó được hội tụ trong dòng tranh dân gian. Qua đây, mọi người cũng thấy được rằng di sản của Việt Nam rất nhiều và cần phải gìn giữ,” họa sĩ Trang Thanh Hiền nói.
Tranh dân gian làng Sình (Huế) |
Triển lãm “Nét xuân 2016- Di sản văn hóa tranh dân gian Việt Nam” sẽ diễn ra đến ngày 16/2 tới tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, Hà Nôi. Trong thời gian trưng bày, Ban tổ chức dự kiến sẽ tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Di sản tranh dân gian Việt Nam- Giá trị lịch sử văn hóa và phương hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian Việt Nam”./.