Chào xuân Bính Thân, lần đầu tiên 5 dòng tranh dân gian của cả nước hội tụ tại Thủ đô trong triển lãm “Nét Xuân 2016 – Di sản văn hóa tranh dân gian Việt Nam”. Đó là tranh Kim Hoàng, Đông Hồ, Hàng Trống (miền Bắc), tranh làng Sình (miền Trung) và tranh Kính (Nam Bộ). Triển lãm do Ban quản lý phố cổ Hà Nội kết hợp với Bảo tàng tư nhân gốm sứ Hà Nội tổ chức, sẽ giới thiệu khoảng 200 tài liệu, hiện vật mộc bản, tranh vẽ tiêu biểu của 5 dòng tranh dân gian nổi tiếng Việt Nam này.

10365848_500791330108916_98733643066729812_n_ltqc.jpg
Bày bán tranh dân gian xưa. Ảnh tư liệu

Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - Chủ nhân Bảo tàng tư nhân gốm sứ Hà Nội cho biết: “Tranh dân gian Việt Nam là một loại hình mỹ thuật cổ truyền có lịch sử rất lâu đời và từng rất được người dân ưa chuộng. Tranh dân gian Việt Nam có hai loại chính là tranh Tết và tranh thờ. Bởi vậy, chủ yếu cứ đến dịp Tết thì tranh dân gian được người dân mua sắm để trang trí nhà cửa. Chúng tôi mong muốn thời điểm này khi tất cả mọi người hướng về cội nguồn thì sẽ chú ý và thích được xem lại những di sản văn hóa của Việt Nam và đặc biệt là tranh dân gian”.

Ván tranh khắc âm bản "Vinh Quy Bái Tổ " của dòng tranh Đông Hồ trên gỗ thị. (Ảnh: Lê Bích)

Cuộc lội ngược dòng về quá khứ huy hoàng của tranh dân gian

Với một nhà sưu tập đam mê lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống thì những gì thuộc về di sản cha ông đều khiến họ bị hẫp dẫn, nhưng để có động lực gạt bỏ tất cả để dành thời gian, tiền của, công sức ra để cùng các cộng sự đi đến nhiều vùng miền trong cả nước để tìm tòi, nghiên cứu, phục dựng và lưu giữ như cách làm của chị Nguyễn Thị Thu Hòa thì không có nhiều người như thế.

Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - Chủ nhân Bảo tàng tư nhân gốm sứ Hà Nội. Ảnh: Lê Bích

“Sau khi triển lãm gốm Nam Bộ thành công, tôi mới bắt đầu dành thời gian lên ý tưởng và thực hiện sưu tập tranh dân gian từ đầu năm 2015. Với tranh dân gian thì không phải bỏ ra số tiền lớn như các bộ sưu tập khác, nhưng cái được lớn là quá trình sưu tập tư liệu để nghiên cứu cũng như để tôn vinh những nghệ nhân đã duy trì và phát triển các dòng tranh dân gian cho đến hôm nay”, chị Thu Hòa chia sẻ.

Với nhiếp ảnh gia Lê Bích, điều thú vị nhất trong hành trình cùng nhà sưu tập Thu Hòa lội ngược dòng tìm về quá khứ huy hoàng của 5 dòng tranh dân gian này là được tìm hiểu cùng lúc những dòng tranh dân gian nổi tiếng, được so sánh những nét đẹp và sự độc đáo riêng của mỗi thể loại. “Đó là những phát hiện thú vị”- Lê Bích chia sẻ: “Với tranh Đông Hồ thì không chỉ có tranh in mà còn có tranh tô nét như tranh Hàng Trống. Cùng một dòng tranh Đông Hồ, cùng một gia đình nhưng phong cách truyền thống của người cha và người con đã học qua Đại học Mỹ thuật đã có sự khác biệt khá thú vị. Còn ở làng Sình, chứng kiến sự khởi sắc của làng nghề thì cũng được biết làng từng suýt thất truyền nghề tranh nên tôi thực sự xúc động khi tận mắt ngắm và chụp lại những bộ ván in cổ tiêu biểu của làng Sình mà các nghệ nhân giữ lại qua bao lần chiến tranh binh biến… Tôi cũng thật sự ngỡ ngàng khi thấy sự đa dạng của dòng tranh Kính ở Chợ Lớn. Khi nó vào đến Nam Bộ, Tiền Giang, An Giang thì đã thành tranh Phật Pháp vì được giao lưu với người Khơ me. Lại có thêm dòng tranh Kính cung đình Huế góp phần làm đa dạng thêm dòng tranh kính trong nước. Tranh Kim Hoàng hơi buồn là bị thất truyền nhưng cũng may đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa bước đầu phục chế được khuôn…”

Tranh Đông Hồ. Ảnh: Lê Bích

Còn đó những trăn trở…

Dòng Tranh Hàng Trống mặc dù đến nay được nhiều người ưa chuộng nhưng cũng chỉ còn có 1 nghệ nhân đơn độc với nghề. Tranh Đông Hồ hiện có 4 nghệ nhân vẫn đang tiếp tục làm và phát triển và dòng tranh Kim Hoàng thì đã thất truyền từ năm 1945.

Tranh Kính của người Khơ me

Trong quá trình đi thu thập sưu tập tranh dân gian vất vả nhất là tranh Kính trong miền Nam. Tranh kính đặc trưng nhất là vẽ trên kính và tuổi thọ ngắn chỉ khoảng 100 năm nên quá trình di chuyển từ Nam ra Bắc dù đã rất cẩn thận nhưng một vài bức không tránh khỏi hư hỏng do bị vỡ. Trong quá trình đi sưu tầm phục vụ trưng bày triển lãm, có nghệ nhân đã đột ngột ra đi mà không chờ đến ngày chứng kiến triển lãm diễn ra. “Phần lớn nghệ nhân làm tranh dân gian đều ở độ tuổi ngoài 60, nếu chúng ta không phục hồi nghiên cứu tìm hiểu thì lúc nào đó sẽ mai một như dòng tranh Kim Hoàng. Nếu về làng Kim Hoàng thì cả làng chỉ còn một bà ngày xưa 12 tuổi từng đi bán tranh còn giờ ko ai nhớ kỹ thuật làm tranh như thế nào. Đó là 1 điều đáng tiếc!”, chị Thu Hòa nói.

Tranh Hàng Trống thường in hoặc can nét đen lên giấy dó rồi tiến hành bồi tranh. Sau đó sử dụng bút lông vẽ , vờn bằng phẩm màu. Vẽ được tranh đòi hỏi phải giỏi kỹ thuật công bút và tỉa . Tranh vẽ tay là chính không như các dòng tranh dân gian khác chủ yếu là in từ ván in. Ảnh: Lê Bích

Tiếc nuối là cảm xúc xuyên suốt chuyến ngược dòng lịch sử đi khảo cứu về tranh dân gian. Điều đó dễ hiểu khi chứng kiến những điều quý giá một khi mất đi là vĩnh viễn và còn đó những nguy cơ với những dòng tranh còn lại nếu không có những hướng đi mới cho dù quá khứ có huy hoàng đến đâu.

Tranh Kim Hoàng

“Mục đích cuộc triển lãm này để mọi người biết được những gì ông cha để lại và quan trọng nhất là để mọi người thêm hiểu, yêu và mua tranh. Đây cũng là tâm tư nguyện vọng của các nghệ nhân. Vì có người mua, nghệ nhân bán được tranh thì mới vực dậy được làng nghề” – NAG Lê Bích chia sẻ và bày tỏ mong muốn triển lãm sẽ góp phần quảng bá nhằm làm sống lại làng nghề và hi vọng sẽ có thêm nhiều nghệ sĩ hiện đại có cảm hứng sáng tác từ nển tảng tranh dân gian để rồi từ đó có những tác động tích cực cho làng nghề phát triển./.