Hôm qua (13/1), tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), đã diễn ra triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam - tranh bộ ba” do Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và Cơ quan Phát triển Pháp đồng tổ chức, nhằm đề cao tính thẩm mỹ của văn hóa dân gian và bảo tồn di sản tư liệu viết quý báu của dân tộc Việt Nam.

Triển lãm giới thiệu 15 bức ảnh, là những mảng hình được chọn lọc từ tác phẩm "Kỹ thuật của người An Nam" của tác giả Henri Oger và bộ sưu tập tranh dân gian của tác giả Maurice Durand. 
tranh%20dan%20gian%201.jpg
Một bức hình trong tác phẩm "Kỹ thuật của người An Nam" của tác giả Henri Oger

"Kỹ thuật của người An Nam" là một nghiên cứu hoàn toàn mới mẻ về văn minh vật chất của Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Các tác phẩm do Henri Oger thu thập đã phần nào giúp chúng ta hiểu được những cách thức sản xuất các sản phẩm thủ công một cách cụ thể và tỉ mỉ từ cử chỉ, công cụ…

Ngoài ra, bộ sưu tập tranh dân gian của Maurice Durand gồm khoảng 400 bức, được ông và các cộng sự thu thập từ những năm 1950, cũng phản ánh rất đa dạng, phong phú cuộc sống thường nhật của người Việt Nam xưa. Không những thế, việc các bức tranh này được bảo quản một cách gần như nguyên vẹn đã phần nào nói lên sự trân trọng với con người, văn hóa, lịch sử của Maurice Durand - một học giả lớn, một người bạn lớn của nhân dân Việt Nam. 
Bức tranh dân gian mô tả cảnh Lễ vinh quy bái tổ, nằm trong bộ sưu tập của Maurice Durand

Đặc biệt, thông qua triển lãm, lần đầu tiên những bản khắc gỗ thất lạc từ thế kỷ 19 mới tìm thấy được công bố. Đó là những trang bản thảo đầy màu sắc từ truyện thơ Lục Vân Tiên của tác giả Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888). Bản thảo đã được một sĩ quan hải quân Pháp thuê một hạ sĩ của Triều đình Huế thực hiện vào đầu những năm 1890.

Ông Pascal Bourdeaux, đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp cho biết: “Đây là lần thứ 3 triển lãm được tổ chức tại Việt Nam. Lần đầu tiên là ở thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2013, sau đó là Đà Nẵng. Mục đích là giới thiệu các di sản văn học và văn hóa của Việt Nam mà chúng ta đã bảo tồn ở Pháp hoặc tìm lại ở Việt Nam. Các kỹ thuật mới của số hóa có thể in một số tài liệu, cuốn sách hoặc DVD để phổ biến được các tài liệu này trong xã hội Việt Nam. Ý nghĩa là để hợp tác trong việc bảo tồn di sản văn học và văn hóa Việt Nam”.

Triển lãm kéo dài đến 28/2/2014./.