Hiện phe đối lập tiếp tục gia tăng sức ép với Tổng thống Viktor Yanukovich và dường như mục tiêu cuối cùng của họ là buộc nhà lãnh đạo này từ chức, vì ông đã hủy bỏ việc ký kết thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU) và ưu tiên thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại với Nga.

Tại phiên họp Quốc hội ngày 4/2, các đảng đối lập đã thất bại trong việc kêu gọi Quốc hội sửa đổi hiến pháp nhằm giảm bớt quyền lực của Tổng thống.

Người biểu tình lập hàng rào đối phó với cảnh sát chống bạo động (Ảnh AP)

Cùng với các cuộc biểu tình trên đường phố do lực lượng đối lập phát động, các Nghị sỹ đối lập đang tìm cách hạn chế quyền lực của Tổng thống bằng việc kêu gọi khôi phục Hiến pháp năm 2004 nhằm tập trung nhiều quyền lực hơn cho Quốc hội để kiểm soát hoạt động của Chính phủ.

Tại phiên họp, các Nghị sỹ thuộc Đảng Các khu vực cầm quyền của Tổng thống Yanukovich bác bỏ quan điểm của phe đối lập về việc khôi phục bản hiến pháp cách đây 10 năm.

Nghị sỹ Volodymyr Oliynyk thuộc Đảng Các khu vực cho rằng: “Việc phe đối lập đề xuất quay trở lại Hiến pháp 2004 là vi Hiến. Những thay đổi nhanh chóng này là không thể chấp nhận được và họ không dành đủ sự ủng hộ. Chúng ta cần tìm kiếm các lựa chọn khác”.

Các nhà lãnh đạo đối lập cũng đang tìm kiếm những mục tiêu khác trong đó có lệnh ân xá toàn diện cho những người từng bị bắt trong các cuộc biểu tình chống Chính phủ.

Phát biểu với báo giới ngày 4/2 sau cuộc gặp Tổng thống Yanukovich, lãnh đạo đối lập Vitaly Klitschko thúc giục Quốc hội sớm đưa ra quyết định khôi phục hiến pháp 2004.

“Tổng thống nói với tôi rằng tất cả mọi người cần tiếp tục làm việc và theo quy định của luật pháp thì tiến trình cải cách chính trị phải mất vài tháng nữa, thậm chí là nửa năm. Nhưng chúng tôi không thể chờ đợi như vậy. Tôi cho rằng Hiến pháp đã thay đổi quá nhanh vào năm 2010, do đó chúng tôi đề xuất Quốc hội nhanh chóng đưa ra quyết định theo đa số, chấp thuận việc khôi phục hiến pháp 2004”, ông Klitschoko nhấn mạnh.

Trong khi đó, lực lượng đối lập ngày 4/2 tiếp tục duy trì các cuộc biểu tình tại quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev trong nhiệt độ giá lạnh âm 20 độ C.

Như vậy, việc Thủ tướng Mykola Azarov từ chức cách đây 5 ngày và ra quyết định ân xá cho hàng loạt người biểu tình bị bắt giữ vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu của phe đối lập.

Mục đích cuối cùng mà phe đối lập hướng tới là Tổng thống phải từ chức, mở đường cho một cuộc bầu cử trước thời hạn và thực hiện sửa đổi Hiến pháp nhằm hạn chế quyền lực của Tổng thống trong tương lai.

Giới phân tích cho rằng, những tham vọng mà phe đối lập đang cố gắng thực hiện gần giống như một cuộc “đảo chính mềm” nhằm lật đổ nhà lãnh đạo được cho là thân Nga, với mong muốn thay thế người kế nhiệm có quan điểm gần gũi với phương Tây hơn.

Tuy nhiên, bất cứ phe phái nào lên nắm quyền trong bối cảnh hiện nay đều không phải là giải pháp toàn diện để mang lại sự ổn định lâu dài cho một quốc gia đang bị chia rẽ sâu sắc bởi cuộc tranh giành ảnh hưởng Đông-Tây./.