Các nghị sỹ đối lập tại Ukraine đang tìm cách sửa đổi Hiến pháp nhằm hạn chế quyền lực của Tổng thống khi Quốc hội nước này bắt đầu nhiệm kỳ mới từ hôm nay (4/2).
ukraine1.jpg
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở Kiev (Ảnh: Global Post)

Hiện phe đối lập tiếp tục gia tăng sức ép với Tổng thống Viktor Yanukovych sau nhiều tuần nổ ra các cuộc biểu tình yêu cầu ông từ chức, vì đã không ký kết thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu (EU).

Theo truyền thông phương Tây, các nghị sỹ đối lập sẽ kêu gọi khôi phục Hiến pháp năm 2004, theo đó trao quyền hạn lớn hơn cho Quốc hội trong việc thành lập chính phủ. Ông Arseniy Yatsenyuk, thủ lĩnh đảng đối lập lớn nhất, đảng Đất Mẹ (Fatherland) cho rằng, việc khôi phục Hiến pháp năm 2004 sẽ “xóa bỏ sự độc tài của Tổng thống và chuyển giao quyền điều hành đất nước cho nhân dân Ukraine".

Đại diện của Tổng thống Yanukovych trong Quốc hội hôm 3/2 cho biết, Tổng thống có thể kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử sớm nếu không tìm được giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Trong khi đó, trở lại làm việc sau 4 ngày nghỉ ốm, Tổng thống Yanukovych đã chỉ trích các cuộc biểu tình rầm rộ trong những ngày qua ở nước này là "hành động cực đoan". Ông Yanukovych cho rằng, làn sóng biểu tình chống Chính phủ hiện nay là hành động cấp tiến, kích động hận thù với mục tiêu "tiếm quyền". Ông kêu gọi xây dựng một cộng đồng không có hành động phân biệt chủng tộc và bài ngoại.

Hiện Mỹ và phương Tây đang có những động thái can thiệp mạnh mẽ hơn vào tình hình Ukraine. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về kế hoạch viện trợ tài chính cho Ukraine, trong đó nhấn mạnh bất kỳ khoản viện trợ nào cũng sẽ được gắn với những cải cách chính trị hoặc việc bổ nhiệm chính phủ mới. 

Theo kế hoạch, ngày 4/2, đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Catherine Ashton sẽ quay lại Kiev trong nỗ lực mới chấm dứt 2 tháng khủng hoảng ở Ukraine và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland cũng sẽ trở lại nước này để gây sức ép với tổng thống Yanukovych./.