Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman van Rompuy cho rằng “tương lai của Ukraine thuộc về Liên minh châu Âu. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Mỹ luôn ủng hộ cái mà ông gọi là “cuộc đấu tranh dân chủ” ở Ukraine.

Tình hình tại Ukraine đang là tâm điểm tranh cãi giữa Nga và Mỹ (Ảnh AP)

Đáp lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc những bên đang bao biện cho các cuộc biểu tình bạo lực ở Ukraine suốt mấy tháng qua đang áp dụng “tiêu chuẩn kép” về dân chủ, nghĩa là không đồng nhất trong cách đánh giá về tiến trình dân chủ ở các nước.

Lavrov nhấn mạnh: “Sự lựa chọn nằm ở phía Ukraine và nước Nga sẽ không can dự vào vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi đặt câu hỏi trước việc sự kích động bạo lực qua các cuộc biểu tình lại được các nước cho là củng cố dân chủ trong khi họ không lên án những người chiếm các cơ quan công quyền, tấn công cảnh sát và sử dụng các khẩu hiệu Phát xít, bài Do thái”.

Cũng trong ngày hôm nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến gặp các lãnh đạo phe đối lập ở Ukraine. Văn phòng chính phủ Mỹ tiết lộ, cuộc gặp có thể nhằm thảo luận khả năng áp đặt lệnh trừng phạt đối với Ukraine.

Hiện chưa rõ ông Kerry có tiếp xúc với Ngoại trưởng Ukraine Leonid Kozhara bên lề Hội nghị an ninh Munich lần này hay không.

Tuy nhiên, trước khi đến Đức, Ngoại trưởng Mỹ đã hối thúc Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich phải có những cải cách sâu rộng hơn nữa để đáp ứng yêu sách của phe đối lập.

Trước đó, ông Yanukovich đã mời một trong các lãnh đạo phe đối lập, ông Arseniy Yatsenyuk giữ chức Thủ tướng song ông này đã từ chối. Dù Tổng thống Yanukovich chấp nhận bãi bỏ luật chống biểu tình gây tranh cãi và ký lệnh ân xá cho những người biểu tình bị bắt giữ cũng như chấp nhận để cho nội các từ chức, phe đối lập Ukraine vẫn tiếp tục đưa thêm yêu sách đòi ông phải từ chức và tổ chức bầu cử sớm./.