Được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, cụ Phương Ích Tráng, một cựu chiến binh ở tổ 19 phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng không cầm nổi nước mắt. Cụ đã làm một đoạn băng đen gắn lên góc trái của bức ảnh chân dung Đại tướng.
Trong phòng khách của gia đình, còn treo trang trọng 4 bức ảnh cụ Tráng chụp chung với Đại tướng trong những lần ra Hà Nội thăm và chúc thọ Đại tướng.
Cụ Tráng và cụ Toàn xem lại những bức ảnh chụp cùng Đại tướng |
Là bộ đội chống Pháp, từng vinh dự được tôn vinh tại Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quân, cụ Tráng không thể nào quên lời dạy của Đại tướng tại Đại hội này, thắng giặc Pháp rồi không được chủ quan, luôn luôn rèn luyện phấn đấu để xứng đáng là Bộ đội cụ Hồ.
Còn cụ Nguyễn Xuân Toàn (ở số nhà 57, phố Vườn Cam, thành phố Cao Bằng) lặng người đi khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần.
Cụ từng là phái viên điều tra hoạt động vận chuyển của địch trong chiến dịch Biên giới 1950, mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng chỉ huy.
Cụ Toàn tâm đắc nhất về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bản lĩnh quân sự, sự cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự gần gũi với nhân dân.
Mỗi năm cứ đến dịp sinh nhật Đại tướng, cụ lại có một bài viết ca ngợi công lao và đức độ của Đại tướng- một trong những vị tướng tên tuổi vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh của mọi thời đại.
Cụ Nguyễn Xuân Toàn cho biết: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi, chúng tôi ngậm ngùi, luyến tiếc vô cùng; càng nhớ đến công ơn và tri ân đồng chí”.
Vẫn biết rằng, mỗi con người đều phải trải qua, sinh, lão, bệnh, tử nhưng sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng.
** Nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, người dân ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang không khỏi bàng hoàng, xúc động và bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn.
Bà Nông Thị Thu bên những kỷ vật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Những ký ức và hình ảnh về Đại tướng đã ghi dấu trên từng mảnh đất và trong tâm trí mỗi người dân, bởi đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các nhà lãnh đạo chọn là địa điểm đóng quân, họp bàn để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.
Trong thời gian sống, làm việc tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhân dân địa phương kính yêu, mến phục bởi sự giản dị, chân thành và gần gũi.
Với ông Ma Văn Chước (84 tuổi, ở thôn Lũng Búng, xã Tân Trào) thì ký ức, tình cảm thiêng liêng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông.
Thời điểm đó, ông Chước đang là thư ký Ủy ban hành chính lâm thời và thường xuyên tiếp xúc, giúp việc cho Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hay tin Đại tướng mất, ông Ma Văn Chước không cầm được nước mắt, tiếc thương người đồng chí, vị tướng tài ba của dân tộc. Ông Chước xúc động: “Sống với chúng tôi ở xóm này, không nhà nào bác Giáp không đến. Tôi thương bác Giáp lắm, muốn xuống viếng nhưng sức khỏe không đi được nữa”.
Trong ngôi nhà sàn của ông Hoàng Trung Dân, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở và làm việc năm xưa, những hình ảnh, kỷ vật về Đại tướng vẫn được thế hệ sau trân trọng giữ gìn và đặt ở góc trang trọng nhất.
Bà Nông Thị Thu (con dâu ông Hoàng Trung Dân) cho biết, sau khi bác Giáp mất, bà sẽ lập bàn thờ để con cháu và du khách thắp nén tâm nhang tỏ lòng biết ơn Đại tướng.
Khi các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, từ người trẻ tới người già ở xã Tân Trào đều bất ngờ, tiếc thương người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam.
Là thế hệ trẻ, sinh ra và lớn lên trong thời bình, mặc dù không được gặp Đại tướng, nhưng em Nguyễn Văn Dũng (19 tuổi ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương) đã được ông bà, cha mẹ kể nhiều câu chuyện cảm động về bác Giáp. Cảm phục những cống hiến của Đại tướng, em Dũng nguyện hứa với bản thân phải góp sức trẻ cho quê hương, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc.
** Những ngày này cùng với người dân khắp nơi, người dân Huế vô cùng tiếc thương tưởng nhớ vị Đại tướng tài ba, lỗi lạc Võ Nguyên Giáp.
Những kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Khi nghe tin Đại tướng mất, ông Nguyễn Tửu (ở phường Tây Lộc, thành phố Huế), nguyên phái viên tiền phương trong Chiến dịch Điện Biên Phủ liền thông báo cho đồng đội để chuẩn bị ra Quảng Bình dự lễ tang.
Ông Tửu tâm sự: “Khi được tin Đại tướng qua đời, lòng tôi rất bồi hồi. Đại tướng đã dìu dắt chúng tôi vượt qua khó khăn, gian khổ để giành lại đất nước ngày hôm nay”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng học ở trường Quốc Học Huế với cái tên Võ Giáp. Ông thường tới lui nhà của cụ Phan Bội Châu để đọc sách; rồi tham gia biểu tình chống sưu thuế và bị bắt vào lao Thừa Phủ Huế...
Ông Nguyễn Cửu Châu (91 tuổi, ở phường Thuận Thành, thành phố Huế), rưng rưng khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyễn Giáp qua đời. Mặc dù, tuổi cao sức yếu không đi lại được, nhưng ngày nào ông Châu cũng mở radio, đọc báo để theo dõi tin tức về vị Đại tướng mến yêu.
Năm 1946, sau khi tham gia cách mạng được 4 năm, ông Châu làm cán bộ tham mưu của Bộ Tổng tham mưu- Cục Quân lực, rồi trực tiếp chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nên có dịp tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông Nguyễn Cửu Châu nhớ lại: “Chúng tôi gặp anh Giáp rất nhiều lần. Chúng tôi rất kính trọng anh. Anh là người gần gũi cán bộ, chiến sĩ. Bây giờ, anh Giáp mất, chúng tôi phải để tang”./.