Những năm gần đây, Iran đã đạt được những bước tiến vững chắc trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV) quân sự, đồng thời tăng cường chuyển giao chúng cho các nhóm chiến binh ở Trung Đông nhằm chuyển động lực chiến trường từ Yemen sang Gaza.

Những nỗ lực này hiện đã vượt xa khu vực.

Tiềm lực tài chính và ảnh hưởng chính trị

Theo thông tin từ truyền thông Iran, Tehran đang cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu và bán các loại UAV vũ trang cho các quốc gia khác, bao gồm cả những quốc gia phải đối mặt với nhiều trừng phạt như Venezuela và Sudan.

Điều này đem lại cho Iran, vốn bị cô lập và gặp khó khăn do các hạn chế tài chính của Mỹ, nguồn tài chính và ảnh hưởng chính trị đáng kể.

Gần đây, một số thông tin cho rằng, Nga có thể là một khách hàng tiềm năng. Đầu tháng này, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng Moscow có kế hoạch mua hàng trăm UAV từ Iran để tăng cường kho vũ khí cho cuộc chiến ở Ukraine.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Iran cho biết hợp tác quân sự với Nga được thực hiện từ trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, nhưng không nêu thông tin chi tiết. Trả lời phỏng vấn nhật báo La Repubblica của Italy vào tháng7, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian nói rằng Iran không có kế hoạch cung cấp thiết bị quân sự cho cả hai bên trong cuộc xung đột.

Tuần trước, Tư lệnh Lục quân Iran, Tướng Kioumars Heydari, cho biết, Tehran “sẵn sàng xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự cho các nước thân thiện”, đồng thời nói thêm rằng, UAV của Iran đã ở “rất xa”, và “hoạt động bên ngoài biên giới của Iran”.

Ông Heydari không đề cập đến Nga, nhưng bình luận của ông được đưa ra trùng vào thời điểm Tổng thống Vladimir Putin thăm Tehran và gặp Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm 19/7.

Ông Seth Frantzman, nhà phân tích quốc phòng, chuyên gia về UAV tại Israel cho biết: “Iran đang nổi lên như một đối tác toàn cầu về xuất khẩu UAV”.

“Thực tế các UAV mới hơn như Mohajer-6 hiện xuất hiện ở vùng Sừng châu Phi đã cho thấy các quốc gia trong khu vực đang xem chúng như một yếu tố tiềm năng có thể thay đổi cuộc chơi”, ông Frantzman nói, đề cập đến mẫu UAV tiên tiến mà Iran tuyên bố là tầm hoạt động 200km và có khả năng mang theo các loại đạn dược dẫn đường chính xác.

 “Đó là một phương thức tác chiến cuộc chiến tuyệt vời với chi phí thấp”, ông Frantzman nói, đồng thời nhấn mạnh UAV của Iran có giá thấp hơn các mẫu khác trên thị trường nhưng ngày càng trở nên tinh vi hơn và đã chứng minh được hiệu quả trên các chiến trường ở Trung Đông.

Xây dựng các mối liên kết quốc tế

Tehran bắt đầu phát triển máy bay không người lái vào những năm 1980 trong Chiến tranh Iran-Iraq. Bất chấp các lệnh trừng phạt áp nhằm vào chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran những năm gần đây, các chuyên gia vẫn cho rằng Tehran đã sản xuất và triển khai một loạt UAV quân sự, được sử dụng cho cả mục đích giám sát và tấn công.

Chương trình này đã trở thành mối quan tâm lớn của Israel và Mỹ trong những năm gần đây. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một tuyên bố ngày 21/7 rằng: “Mạng lưới UAV tấn công ngày càng phổ biến của Iran” là chủ đề thảo luận chính tại một cuộc họp an ninh khu vực gần đây ở Qatar.

Theo ông Frantzman, UAV của Iran vẫn nằm ngoài thị trường toàn cầu và khách hàng chủ yếu là các quốc gia có thu nhập thấp hoặc bị trừng phạt và không thể mua chúng ở nơi khác.

Các nhà phân tích cho biết, lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn Iran mua bán vũ khí đã hết hạn vào năm 2020. Điều này giúp loại bỏ một trở ngại pháp lý đáng kể mà Iran phải đối mặt trong việc xuất khẩu UAV cũng như vị thế của nước này như một đối tác toàn cầu trong công nghệ UAV.

Những dấu hiệu ban đầu cho thấy Iran hưởng lợi từ việc dỡ bỏ lệnh cấm vận và tăng cường xuất khẩu UAV xuất hiện từ tháng 8/2021.

Tại Ethiopia, khi cuộc chiến với phiến quân Tigray đang bùng phát, Thủ tướng Abiy Ahmed đã đi thăm một sân bay quân sự tiền tuyến cùng các quan chức quân đội và tình báo. Ở hậu cảnh của những bức ảnh, người ta nhận ra một vật thể có cánh bí ẩn đang đậu trên đường băng. Đó là UAV Mohajer-6 của Iran, được trang bị tên lửa đất đối không.

Các nhà ngoại giao phương Tây xác nhận với New York Times, Ethiopia đã nhận UAV của Iran và điều này sau đó được Bộ Tài chính Mỹ công khai thừa nhận vào tháng 10/2021 khi Washington áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với chương trình UAV của Iran.

Theo các nhà phân tích quân sự, Iran cũng đã cung cấp máy bay không người lái cho Sudan, mặc dù Khartoum cũng đang phải chịu lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc. Năm 2008, khi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đặt câu hỏi về các UAV chiến đấu mà họ thấy đang được sử dụng ở Sudan, họ nhận được câu trả lời rằng đó là phiên bản của Ababil-3 của Iran.

Iran có các động lực cả về chính trị và tài chính để bán UAV cho các quốc gia như vậy và cung cấp chúng cho các nhóm ủy nhiệm như một phần của chính sách Trung Đông. Việc mua bán này cho phép Tehran phát triển các liên kết quốc tế bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Tehran và đem lại thêm một nguồn doanh thu ngoài việc bán dầu mỏ.

Tham vọng trở thành đối tác UAV toàn cầu

Vào tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz cho biết Mohajer-6 của Iran - mẫu UAV tương tự ở Ethiopia - hiện đang được bán cho Venezuela. Ông đã hướng sự chú ý vào đoạn video từ tháng 11/2020 khi Tổng thống Nicolás Maduro đứng cạnh một mô hình UAV trong lúc phát biểu tại một nhà chứa máy bay.

Hossein Dalirian, một nhà phân tích quân sự có quan hệ mật thiết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, nói rằng Iran đang xuất khẩu máy bay không người lái sang Ethiopia và Venezuela.

“Iran từ lâu đã có thể sản xuất hàng loạt nhiều loại UAV khác nhau, bao gồm UAV giám sát quân sự cũng như UAV cảm tử và hiện có số lượng lưu kho rất lớn. Vì UAV hoạt động hiệu quả và một số quốc gia quan tâm tới loại thiết bị này, Iran đã xuất khẩu các mẫu UAV như New Mohajer-2 (M2-N), Mohajer-6 (M6) và thậm chí cả Ababil (AB-2) trong những năm gần đây”, ông Dalirian nói.

Tháng 5 vừa qua, Tướng Mohammad Bagheri, Tổng Tham mưu trưởng các Lực lượng Vũ trang Iran, đã đến Tajikistan để khánh thành nhà máy sản xuất UAV Ababil-2.

Đây là nhà máy sản xuất UAV đầu tiên mà Iran xây dựng ở nước ngoài. Truyền thông Iran gọi sự kiện này là một cột mốc quan trọng trong chương trình phát triển vũ khí của nước này và là dấu hiệu cho thấy Iran hiện là một đối tác thực sự trên thị trường UAV.

Hãng Thông tấn Tasnim, trực thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng, cho biết bằng cách xuất khẩu UAV, Iran đã “tăng cường ảnh hưởng chiến lược của mình ở phía Đông”. Tờ báo chính thức của Chính phủ Iran viết rằng “những trải nhiệm thành công với vũ khí Iran ở Trung Đông và Ethiopia đã giúp Tehran trở thành một nhà xuất khẩu vũ khí lớn trong khu vực và quốc tế”.

Ông Farzin Nadimi, một nhà phân tích quân sự và cộng sự tại Viện Washington, chuyên về ngành công nghiệp quốc phòng của Iran, đánh giá: “Họ đã tạo dựng được năng lực UAV vững chắc, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi các quốc gia khác quan tâm đến việc có được công nghệ như vậy”./.