Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị đại tướng đầu tiên, nguyên Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã qua đời  hồi 18h9' ngày 4/10/2013, hưởng thọ 103 tuổi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sinh ngày 25/8/1911, tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Từ quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình, qua một hành trình dài: từ một nhà giáo, nhà báo, nhà sử học, nhà hoạt động cách mạng, ông đã  trở thành một vị tướng kiệt xuất; một nhà chiến lược mưu trí, sáng tạo; một vị tổng tư lệnh văn võ song toàn; một nhà tổ chức hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

dai%20tuong%20vo%20nguyen%20giap%20%20041994.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại Điện Biên Phủ năm 1994.
Ông được nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà quân sự trên thế giới đánh giá là “Một thống soái vĩ đại”, Một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại”.

Ngày 5/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương đã ra Thông cáo đặc biệt về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. 

Để tỏ lòng thương tiếc và biết ơn đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nghi thức Quốc tang.Linh cữu đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp quàn tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7h30 phút, ngày 12/10/2013.Lễ truy điệu trọng thể đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ, ngày 13/10/2013.Thể theo ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức cùng ngày tại quê nhà (tỉnh Quảng Bình). Trong hai ngày tang lễ đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp (từ 12h ngày 11/10 đến 12h ngày 13/10/2013), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí. 

Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng khóa XI

Trong tuần qua, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội.

Tại Hội nghị lần thứ 8 này, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về phát triển kinh tế - xã hôi; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc và một số vấn đề quan trọng khác liên quan tới công tác xây dựng Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Hội nghị Trung ương 8 diễn ra vào thời điểm giữa nhiệm kỳ khóa XI với nhiều nội dung quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng, được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quan tâm.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm trong Hội nghị lần này là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ yêu cầu đặt ra là phải tạo sự thống nhất cao, ban hành được một Nghị quyết Trung ương xứng tầm để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển lĩnh vực luôn được coi là quốc sách hàng đầu này. Trung ương cần thảo luận, bàn bạc thật sự kỹ sự cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo; đánh giá thẳng thắng, đúng thực trạng tình hình, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm của những thành tựu, kết quả đạt được cũng như những yếu kém, hạn chế cần chấn chỉnh. Đặc biệt là tập trung xác định rõ hơn nội hàm đổi mới căn bản và toàn diện.

Bão số 10 gây thiệt hại nặng nề

Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, đã có 9 người chếttrong cơn bão số 10. Cùng với đó, bão số 10 đã làm 199 người của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế bị thương.

Các tuyến đường bị ngập nước khiến gia thông bị gián đoạn, ách tắc tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa)
Thiệt hại về vật chất, bão số 10 đã làm sập đổ, cuốn trôi 372 căn nhà; 194.137 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng và 25.783 căn nhà bị ngập lụt; hư hỏng, ngập úng 975 công trình là trường học, trụ sở, cơ quan, bệnh viện và các công trình công cộng; làm thiệt hại trên 17.000 ha hoa màu, gây ngập và cuốn trôi 2.164 ha nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế.

Chưa có thống kê đầy đủ về thiệt hại trong cơn bão số 10 nhưng chỉ riêng về hệ thống cơ sở vật chất, công trình giao thông, thủy lợi ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế sơ bộ đã gần 5.000 tỉ đồng.

Hơn 7.000 người chết vì tai nạn giao thông trong 9 tháng

Bộ Giao thông Vận tải vừa cho biết, trong 9 qua, cả nước xảy ra hơn 21.800 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.040 người, bị thương 21.780 người. Nhìn chung, tình hình tai nạn giao thông trong 9 tháng qua giảm nhưng số người chết lại tăng 139 người chết. 

Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng (ảnh: Tuổi trẻ)
Nguyên nhân là do các tháng đầu năm xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến xe chở khách, xe tải nặng và xe container, làm chết nhiều người. Tuy nhiên, 2 tháng gần đây, số người chết vì tại nạn giao thông, số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng có xu hướng giảm và được kiềm chế.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới là tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quyết tâm không để xảy ra tình trạng gia tăng số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông trong các tháng tiếp theo.

Thông xe cầu dầm thép lắp ghép lớn nhất nước

Sáng 5/10, UBND TP Hà Nội tổ chức lễ thông xe cầu vượtnút giao Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định, đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, góp phần giảm ùn tắc giao thông và tạo cảnh quan đô thị, hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 59 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

Với kinh phí hơn 360 tỷ đồng, chiều dài 278 m mặt cắt ngang 16m (4 làn xe) cầu vượt tại nút Daewoo (Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã) được xây dựng theo công nghệ dầm thép lắp ghép lớn nhất cả nước.

Daewoo là nút giao thông cực kỳ quan trọng tại Thủ đô, tại đây giờ cao điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, đặc biệt là tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Vì vậy việc xây dựng cầu vượt dầm thép lắp ghép tại nút giao này nhằm giảm hạn chế xung đột giữa các dòng phương tiện, khơi thông khu vực ở cửa ngõ phía Tây thành phố.

Cầu vượt Daewoo có kết cấu nhịp dầm hộp thép liên hợp bản bê tông cốt thép (BTCT), mố cầu sử dụng dạng chữ U khoan nhồi. Đây là cầu vượt bằng thép đầu tiên có cấu tạo dầm thép tiết diện hộp hở, là cầu có khẩu độ nhịp lớn nhất trong tất cả các cầu dầm thép từ trước đến nay tại Việt Nam.

Cảnh báo tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục

 Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) vừa công bố báo cáo cho thấy, trong những thập kỷ qua, hệ thống giáo dục chủ yếu là công lập ở Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể về tỷ lệ biết chữ cơ bản và tỷ lệ trẻ em đến trường. 

Xu thế "chạy" trường cho con của các phụ huynh sẽ dẫn đến tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhu cầu ngày càng tăng về giáo dục chất lượng cao cùng với nhận thức trong chuẩn giữa các trường công lập đã làm bủng nổ cuộc cạnh tranh chạy đua vào các trường “điểm”, dẫn đến tình trạng tham nhũng.

 Báo cáo dẫn kết quả cuộc khảo sát trực tuyến với gần 20.000 người trả lời do một báo điện tử ở Việt Nam thực hiện cho thấy, 62% phụ huynh thừa nhận họ đã sử dụng các mối quan hệ cá nhân hoặc tiền để chạy trường, lớp cho con. Có 40% phụ huynh cho rằng chất lượng trường học và uy tín của trường là lý do họ chọn trường “điểm” để cho con học trái tuyến.

Trong một nghiên cứu gần đây do tổ chức Hướng tới Minh bạch thực hiện, phỏng vấn hơn 50 lãnh đạo các trường, giáo viên, phụ huynh học sinh, các nhà quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu ở Hà Nội và giáo viên các trường phổ thông ở Hà Nội cho thấy, tham nhũng trong tuyển sinh tại các trường ở ngoại thành hiếm xảy ra, trong khi đó tham nhũng trong tuyển sinh ở các trường nội thành khá phổ biến.

Năm 2013, sẽ chấm thẩm định lại tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở cả 63 tỉnh, thành

Mới đây, trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, để duy trì và nâng cao kết quả cuộc vận động “Hai không”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo toàn quốc để kiểm điểm, đánh giá kết quả tổ chức các kỳ thi năm 2011, thảo luận các chủ trương, giải pháp để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 và những năm tiếp theo.

Hội nghị đã thống nhất nhận định: Trong tình hình thực tế, với các điều kiện đảm bảo chất lượng của cả các địa phương, việc tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tăng đột biến so với các năm trước là chưa hợp lý. Các đại biểu dự hội nghị cũng đã thống nhất chủ trương giao quyền chủ động và trách nhiệm của Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với quyết tâm chiến lược do Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động: Tổ chức kỳ thi trung thực, nghiêm túc như là một hành động thiết thực của ngành giáo dục đào tạo quán triệt đầy đủ Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, không để tỷ lệ tốt nghiệp vượt quá tỷ lệ của những năm trước và tỷ lệ tốt nghiệp Bổ túc THPT không cao hơn của THPT.

Hội nghị Giám đốc  Sở Giáo dục và Đào tạo toàn quốc tháng 3 năm 2013 tiếp tục khẳng định quyết tâm thực hiện nghiêm túc những chủ trương trên và thống nhất: Chấm thẩm định ở cả 63/63 tỉnh, thành phố; Danh hiệu thi đua của những tỉnh, thành phố có tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2013 tăng cao so với những năm trước sẽ được xem xét, công nhận sau khi có kết quả chấm thẩm định của Bộ.

Việt Nam trong tốp 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, lượng kiều hốigửi về các nước đang phát triển dự tính tăng 6,3% và đạt mức 414 tỉ USD năm nay, và con số này sẽ vượt ngưỡng 500 tỉ USD năm 2016.

Riêng Ấn Độ và Trung Quốc đã chiếm gần 1/3 tổng lượng kiều hối của các nước đang phát triển trong năm nay. Lượng kiều hối chuyển về các nước đang phát triển sẽ tăng mạnh về trung hạn với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 9% và sẽ đạt mức 540 tỉ USD năm 2016.

Tổng lượng kiều hối toàn cầu, kể cả lượng chuyển về các nước có thu nhập cao, ước tính sẽ đạt mức 540 tỉ USD năm nay và sẽ đạt mức kỷ lục 707 tỉ USD năm 2016, theo Báo cáo tóm tắt về Di cư và Phát triển của Ngân Hàng Thế Giới.

Con số ước tính thể hiện sự thay đổi trong phân loại quốc gia của Nhóm Ngân hàng Thế giới, trong đó một số quốc gia nhận kiều hối lớn như Nga, Latvia, Lithunina và Uruguay không còn nằm trong nhóm các nước đang phát triển nữa.  Ngoài ra, con số về kiều hối cũng thể hiện thay đổi trong định nghĩa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về kiều hối mà theo đó một số giao dịch chuyển vốn đã bị loại trừ và các giao dịch này có ảnh hưởng tới một số nước đang phát triển lớn như Brazil.

Theo thống kê chính thức, các nước nhận nhiều kiều hối trong năm 2013 là Ấn Độ (khoảng 71 tỉ USD), Trung Quốc (60 tỉ USD), Philippines (26 tỉ USD), Mexico (22 tỉ USD), Nigieria (21 tỉ USD) và Ai Cập (20 tỉ USD). Tiếp theo là các nước nhận nhiều kiều hối khác gồm Pakistan, Bangladesh, Việt Nam, và Ukraine./.