Trong ngôi nhà nhỏ ở phố Điện Biên Phủ, Hà Nội của gia đình Đại tá Nguyễn Văn Hiếu - người từng là trợ lý thân cận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời chiến, những bức ảnh đen trắng lưu giữ kỷ niệm với người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam được treo ngay ngắn ở vị trí trang trọng nhất.

Khi trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiếu luôn gọi Đại tướng bằng cái tên thân thuộc, trìu mến mà những người cộng sự như ông thường gọi, đó là: “Anh Văn”.

Ông Hiếu còn nhớ như in những kỷ niệm của hơn nửa thế kỷ trước, khi được vinh dự là một trong những người trợ lý đầu tiên cho vị tướng tài ba của dân tộc.

“Anh Văn” đã rèn luyện, làm gương cho những người bên cạnh mình về tình yêu đất nước, đồng thời luôn gần gũi, quan tâm đến gia đình của các cán bộ, chiến sỹ.

daituongvonguyen.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng không bao giờ coi trận chiến như một trận đánh cờ. Vì vậy, Đại tướng luôn cân nhắc để giành được thắng lợi cao nhất mà tổn thất về sinh mạng thấp nhất.

Ông Hiếu đã chứng kiến và cảm động vô cùng trước hình ảnh Đại tướng thức trắng đêm suy nghĩ để đi đến quyết định quan trọng mang tính lịch sử là chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” ở chiến dịch Điện Phiên Phủ, vì trách nhiệm với vận mệnh của đất nước và sinh mệnh của chiến sỹ.

Từng làm trợ lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt hơn 30 năm kể từ năm 1976, Đại tá Trịnh Nguyên Huân còn nhớ rất rõ: Sau nhiều năm làm việc, Đại tướng không hề biết ông mang quân hàm gì vì không quan tâm tới chuyện ấy. Những buổi làm việc với Đại tướng luôn diễn ra trên tinh thần bình đẳng và dân chủ, ai có ý kiến thì cứ phát biểu.

Đại tá Trịnh Nguyên Huân tâm sự: Ông đã học được rất nhiều từ người thầy ấy, một con người mà trong bất cứ lĩnh vực nào, từ quân sự của thời chiến sang giáo dục, khoa học của thời bình đều tìm mọi cách để đóng góp nhiều nhất cho dân, cho nước.

Trong quân sự là mệnh lệnh, nhưng trong khoa học, giáo dục lại đòi hỏi sự sáng tạo. Vì thế, Đại tướng đã tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, tự học hỏi rất nhiều về các lĩnh vực mới.

Đại tướng thường viết thư cho những cán bộ chủ chốt để tham khảo ý kiến, từ đó đã có được những quyết sách quan trọng về chiến lược phát triển khoa học, giáo dục trong thời kỳ mới.

Ông Huân nói: “Cả cuộc đời Đại tướng luôn luôn tự học, tự nghiên cứu, nghe ý kiến rất nhiều chiều từ một vấn đề, trước khi đi đến một quyết định. Cách làm việc rất dân chủ và khoa học và luôn luôn giải quyết vấn đề xuất phát từ thực tiễn”.

Đại tá Nguyễn Huy Toàn-người nghiên cứu về lịch sử tại Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, từng có nhiều năm giúp việc cho Đại tướng kể lại một kỷ niệm mà ông nhớ mãi.

Năm 1973, khi biết tin Đại tướng vào thị sát chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị, hàng nghìn chiến sỹ đã vào chiến trường, nấp trong rừng để được nhìn Đại tướng. Đến khi "bị phát hiện", Đại tướng hô đứng dậy, cả một rừng bộ đội vây quanh, hoan hô Đại tướng.

Đối với mỗi người lính, Đại tướng là người anh cả, người luôn được ngưỡng mộ, khâm phục. Đại tướng luôn nhắc nhở mọi người rằng, sống ở đời phải coi trọng hai chữ Nhân, Nghĩa.

Với vai trò là một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, Đại tá Nguyễn Huy Toàn đã nghiên cứu rất kỹ về tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tá Nguyễn Huy Toàn nhận định: “Từ Trần Hưng Đạo đến Võ Nguyên Giáp gần 700 năm. Một người trong vòng 30 năm 3 lần đánh bại đế quốc là Nhật, Pháp, Mỹ. Trần Hưng Đạo 3 lần thắng quân Nguyên Mông. Một vị tướng được cả nhân loại kính trọng, tôn vinh, là vị tướng của mọi thời đại”.

Trong ký ức mỗi người cộng sự, từng được làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - “Anh Văn” luôn là người anh cả, là ngọn đuốc soi đường. Đó là những thước phim sống động về chân dung một danh tướng, nhà trí thức, nhà cộng sản chân chính./.