Các nhà ngoại giao Iran cho biết, các lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ được giảm bớt nhằm đổi lại các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của nước này.
Quan chức các nước tham gia vào đàm phán hạt nhân Iran tại Palais Coburg (Vienna, Áo) vào hôm 13/7/2015 gồm có: Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Phó Tổng cục trưởng Cơ quan Hành động Đối ngoại của EU Helga Schmid, Quan chức Cấp cao EU về Đối ngoại và Chính sách An ninh Federica Mogherini, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (ảnh: Reuters) |
Cụ thể, thỏa thuận trên sẽ giới hạn hoạt động liên quan đến hạt nhân của Iran trong hơn một thập kỷ để đổi lại việc dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt nhằm vào xuất khẩu dầu của Iran – những lệnh trừng phạt này đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Iran.
Một nhà ngoại giao giấu tên nói với Reuters: “Tất cả mọi công việc [đàm phán] vất vả đã được đền đáp. Đấng Allah ban phước cho tất cả mọi người”. Một quan chức Iran khác đã xác nhận thông tin về thỏa thuận vừa đạt được.
Một phát ngôn viên của Liên minh châu Âu thông báo vào hôm nay (14/7) rằng ngoại trưởng của Iran và 6 cường quốc sẽ gặp gỡ vào lúc 8h30 (giờ GMT) tại trung tâm Liên Hợp Quốc ở Vienna (Áo), sau đó sẽ có một buổi họp báo.
Các nhà ngoại giao cho hay, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini dự kiến sẽ đọc một tuyên bố chung.
Một nguồn tin ngoại giao nói rằng, theo dự thảo thỏa thuận hạt nhân, được phác thảo dưới dạng sơ bộ vào ngày 2/4, các thanh sát viên Liên Hợp Quốc sẽ được tiếp cận tất cả các địa điểm mà họ nghi ngờ có hoạt động ở Iran, kể cả các cơ sở quân sự.
Ngoại trưởng các nước Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ đã họp trong một tiếng sau lúc nửa đêm trong nỗ lực hoàn thành bản thỏa thuận mà họ đã đàm phán trong hơn 20 tháng qua.
Bản thỏa thuận đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa Tehran và các nước phương Tây. Phương Tây luôn nghi ngờ Iran sử dụng chương trình hạt nhân dân sự của mình để làm vỏ bọc phát triển vũ khí hạt nhân. Iran đã phủ nhận cáo buộc này.
Trong tuần qua, một trong các vấn đề gai góc nhất là việc Iran nhất quyết rằng nếu ký thỏa thuận thì phải dỡ bỏ ngay lập tức lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Iran cũng như lệnh cấm đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran có từ năm 2006.
Nga, nước có quan hệ mua bán vũ khí với Iran, đã công khai ủng hộ Tehran về vấn đề này.
Các quốc gia phương Tây không muốn để Iran tự do mua bán vũ khí do lo sợ điều này sẽ giúp Iran tăng cường hỗ trợ quân sự cho các dân quân dòng Shiite ở Iraq, các chiến binh Houthi ở Yemen và Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria./.