Sau 8 ngày đàm phán thâu đêm tại Lausanne (Thụy Sĩ), ngày 2/4 (chậm 2 ngày so hạn chót 31/3), Nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran đã đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran, mở đường hướng tới một thỏa thuận cuối cùng trước hạn chót vào ngày 30/6 tới, đã nhận được những đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế.

Làm sáng tỏ các vướng mắc

Trong suốt 12 năm qua, các nước phương Tây luôn quan ngại rằng mục đích cuối cùng của chính phủ Iran là sản xuất vũ khí hạt nhân, thông qua dự trữ nguyên liệu hạt nhân cao cấp.

ngoai_truong_iran_my_wzmi.jpgNgoại trưởng Mỹ Kerry và Ngoại trưởng Iran Zarif (ảnh: iranpulse.al-monitor.com)
Điều quan ngại nêu trên được chứng minh bằng báo cáo của IAEA (2011) rằng, có “bằng chứng đáng tin cậy” cho thấy “Iran đã tiến hành các hoạt động có liên quan đến việc phát triển thiết bị hạt nhân”.

Theo báo cáo, việc nghiên cứu lõi uranium và kíp nổ dành cho vũ khí hạt nhân; mua thông tin, tài liệu về phát triển vũ khí hạt nhân từ một mạng lưới cung cấp bí mật; mô hình hóa trên máy tính các vụ nổ hạt nhân và hậu cần cho thử nghiệm hạt nhân… đã chứng tỏ điều đó.

Năm 2013, IAEA còn chứng minh thêm rằng, Iran đã có 182kg uranium đã làm giàu ở cấp độ 20%, và 6.357 kg uranium làm giàu ở cấp độ 5%, đủ để sản xuất 7 quả bom nguyên tử.

Mặt khác, việc lắp đặt các máy ly tâm tại cơ sở Fordow nằm sâu dưới lòng đất, giúp gia tăng khả năng nhanh chóng làm giàu đến cấp độ vũ khí. Điều quan trọng hơn là Iran giải thích chưa thỏa đáng và không cho phép các thanh sát viên IAEA tiếp cận đến các cơ sở này, nhất là khu phức hợp Parchin.

Sau thỏa thuận khung của Nhóm P5+1 với Iran, những vướng mắc trên đã được làm sáng tỏ. Vì thế, việc tôn trọng quyền của Iran được phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình đã được xác định, Iran được giữ lại tất cả các cơ sở hạt nhân và tiếp tục chương trình hạt nhân dân sự của mình.

Trong khi hoan nghênh thỏa thuận khung vừa đạt được, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, đây là động thái công nhận “quyền vô điều kiện” của Tehran trong việc theo đuổi một chương trình hạt nhân dân sự.

Một lần nữa, Iran lại khẳng định rằng nước này sử dụng công nghệ hạt nhân chỉ nhằm mục đích hòa bình như kiểm tra y tế, sản xuất điện bằng năng lượng hạt nhân…

Chấp nhận các giới hạn kỹ thuật

Thỏa thuận khung đã quy định, về số lượng uranium làm giàu Tehran sẽ phải cắt giảm 98%, không làm giàu uranium quá 3,67%, và từ nay đến năm 2030 Iran không sản xuất plutonium, không xây mới bất kỳ cơ sở làm giàu uranium nào. Giảm kho nhiên liệu làm giàu uranium từ 10 tấn hiện nay xuống còn 300 kg.

Về số máy ly tâm – phương tiện để làm giàu uranium, Iran chấp nhận giảm 70%, chỉ còn giữ lại 6.104 máy so với 19.000 máy hiện có. Đến năm 2025 Iran chỉ được sử dụng 5.060 máy ly tâm để làm giàu hạt nhân dân dụng. Số lượng nguyên liệu hạt nhân dư thừa sẽ phải chuyển ra nước ngoài. 

Quá trình nới lỏng và bãi bỏ trừng phạt của LHQ (Liên Hợp Quốc) và một số nước khác như Mỹ, EU… đối với Iran, sẽ được tiến hành đồng bộ và tương ứng tiến độ mà Tehran thực hiện các cam kết. Thời hạn thanh tra quốc tế đối với một số cơ sở hạt nhân của Iran sẽ được duy trì đến năm 2040.

IAEA sẽ cho phép Tehran sử dụng các công nghệ hiện đại và tham gia hợp tác quốc tế trong sản xuất năng lượng hạt nhân, đổi lại cơ quan này được quyền tiếp cận thanh sát các cơ sở hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, những vấn đề tồn đọng tiếp tục được giải quyết đến cuối tháng 6 bao gồm: (1) giới hạn thời gian làm giàu uranium; (2) việc dỡ bỏ các cấm vận về kinh tế và việc tái cấm vận nếu Iran vi phạm các điều khoản thỏa thuận; và (3) vấn đề vận chuyển uranium đã làm giàu ra nước ngoài.

Vẫn còn sự khác biệt ở chỗ, Iran yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận của LHQ, đồng thời hủy bỏ 6 nghị quyết mà LHQ đã thông qua liên quan đến vấn đề hạt nhân của nước này, và Iran có quyền bảo lưu quan điểm về chương trình hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình.

Trong khi, Nhóm P5+1 lại đề nghị gói các giải pháp giải tỏa vướng mắc, bao gồm dỡ bỏ cấm vận dầu mỏ của Mỹ, EU và gỡ bỏ các hạn chế giao dịch ngân hàng, nhưng các biện pháp cấm vận của LHQ chỉ được dỡ bỏ khi Iran chứng minh rằng họ thật sự không theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.

Iran đã chấp nhận các giới hạn nghiêm ngặt trong việc phát triển các máy ly tâm mới trong 10 năm đầu thực thi thỏa thuận, nhưng sau 10 năm đó, lại cần có sự thay đổi. Còn Nhóm P5+1 muốn gia hạn thêm 5 năm đối với các giới hạn đó. Iran hiện chưa chấp nhận hạn chế này, vì lo ngại sẽ quá phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài.

Đại giáo chủ Ali Khamenei cho rằng: “Cấm vận phải được dỡ bỏ ngay chứ không phải là kết quả của những hành động trong tương lai của Iran”. Đó là hai vấn đề khó khăn, nhạy cảm nhất, cần phải được các bên hoàn tất trước ngày 30/6 tới.

Phản ứng của các bên

Ngay sau khi thỏa thuận khung được công bố, nhiều nước đã thể hiện sự vui mừng và phản ứng tích cực. Tổng thống Mỹ Obama cho là một kết quả mang tính lịch sử, góp phần làm cho thế giới trở nên an toàn hơn. Ông Obama so sánh việc đạt được Thỏa thuận này với Hiệp định cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô trước đây.

Thủ tướng Đức Merkel nhận định: đây là “một bước tiến quan trọng” đưa cộng đồng quốc tế tới gần nhất từ trước tới nay mục tiêu ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Còn Tổng thống Pháp Hollande khẳng định Paris sẽ theo dõi sát sao để đảm bảo một thỏa thuận cuối cùng “đáng tin cậy” và “có thể giám sát được”.

Nga đã hoan nghênh thỏa thuận giữa Iran và P5+1 và cho rằng đây là động thái công nhận “quyền vô điều kiện” của Tehran trong việc theo đuổi một chương trình hạt nhân dân sự, và sẽ “tác động tích cực” lên tình hình an ninh tại Trung Đông.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng bày tỏ sự vui mừng trước việc đạt được thỏa thuận khung nói trên, cho rằng nó sẽ mở đường cho việc củng cố hòa bình và ổn định ở Trung Đông.

Giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano hoan nghênh diễn biến mới nhất đồng thời khẳng định IAEA sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm giám sát việc triển khai các giải pháp hạt nhân sau khi các bên hoàn tất thỏa thuận cuối cùng.

Đại diện EU cho biết Mỹ và EU sẽ dỡ bỏ toàn bộ các trừng phạt liên quan tới vấn đề hạt nhân hiện đang áp đặt lên Iran ngay sau khi IAEA xác nhận Tehran tuân thủ đúng các cam kết trong thỏa thuận. Đêm 2/4, người dân Iran đã đổ xuống đường ở thủ đô Tehran chúc mừng việc đạt được thỏa thuận khung.

Trong khi đó, giới chức Israel đã ngay lập tức chỉ trích thỏa thuận nói trên, coi đây là một “sai lầm lịch sử” vì đã tạo điều kiện cho Tehran có quyền hợp pháp phát triển bom hạt nhân. Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc lưỡng viện  Quốc hội Mỹ, cũng bày tỏ hoài nghi với thỏa thuận khung vừa đạt được tại Lausanne.

Israel và Saudi Arab là hai nước duy nhất có chung quan điểm cho rằng thỏa thuận hạt nhân sẽ tạo cơ hội cho Iran phát triển năng lực chế tạo bom hạt nhân, “đe dọa hòa bình và ổn định khu vực”.

Như vậy, sau 12 năm tranh cãi, nay với sự nỗ lực của các bên, Nhóm P5+1 và Iran đã có bước “đột phá” quan trọng trong đàm phán và đạt được một thỏa thuận khung, được đánh giá là “mang tính lịch sử”. Dư luận đang kỳ vọng vào bước tiến này có thể mạng lại tương lai hòa bình ổn định cho khu vực Trung Đông và thế giới./.