Ngày 18/1, thủ lĩnh phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban tiếp tục dẫn đầu các đoàn người biểu tình đi qua các tuyến phố chính ở Bangkok, bất chấp việc mới xảy ra vụ nổ nhằm vào chính ông và người biểu tình làm 38 người bị thương, trong đó một người vừa thiệt mạng.

Nhiều người biểu tình cũng kéo đến trụ sở Cảnh sát Quốc gia Thái Lan ở thủ đô để yêu cầu điều tra làm rõ thủ phạm đứng đằng sau vụ bạo lực.

Cảnh sát chống bạo động Thái Lan ngăn chặn người biểu tình tiến vào trụ sở Cảnh sát Quốc gia tại Bangkok (Ảnh Reuters)

Một người biểu tình cho biết: “Chúng tôi kêu gọi công lý sau khi một người chết sau vụ tấn công ngày 17/1. Do đó chúng tôi đến đây để yêu cầu thực thi công lý”. 

Thủ lĩnh phong trào biểu tình Suthep yêu cầu Chính phủ tạm quyền phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công trên, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục phát động các cuộc biểu tình rộng rãi.

Tuy nhiên, Thủ tướng Yingluck Shinawatra cũng bác bỏ cáo buộc của phe biểu tình và kêu gọi các nhân viên điều tra làm sáng tỏ vụ việc.

Trung tâm khẩn cấp Erawan ở Bangkok thông báo nạn nhân 46 tuổi (đến từ miền Nam Thái Lan) đã qua đời sáng 18/1, do bị mất nhiều máu và các cơ quan nội tạng bị tổn thương nghiêm trọng.

Giới chức Thái Lan cho biết vụ nổ chỉ cách vị trí của ông Suthep khoảng 50m. Đây là vụ tấn công trực diện đầu tiên nhằm vào thủ lĩnh biểu tình. 

Trước đó, hơn 100 người biểu tình chống chính phủ đã tấn công một xưởng in phiếu bầu cử. Người biểu tình đã tiến hành cắt điện, nước tại xưởng in; yêu cầu các nhân viên rời công xưởng và buộc giám đốc xưởng in phải tạm thời đóng cửa khu vực này.

Xưởng in trên thuộc quyền quản lý của Ủy ban xúc tiến phúc lợi xã hội dành cho giáo viên và là nơi duy nhất được quyền in phiếu bầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử 2/2 tới.

Những mâu thuẫn và tình trạng “đối địch” giữa các bên tại Thái Lan có thể sẽ khiến quốc gia Đông Nam Á này lún sâu hơn vào khủng hoảng. Người biểu tình luôn đặt mục tiêu hủy bỏ cuộc bầu cử sắp tới nhằm mở đường cho việc thành lập một Hội đồng nhân dân, trong đó bao gồm những thành viên do phong trào biểu tình lựa chọn, để điều hành một chính phủ chuyển tiếp ở Thái Lan.

Song, Chính phủ tạm quyền Thái Lan đã bác bỏ yêu cầu này và khẳng định bầu cử là giải pháp duy nhất giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay./.