Theo Reuters, vụ nổ bom ngày 17/1 làm rung động thủ đô Bangkok khiến tình hình tại Thái Lan trở nên căng thẳng với nhiều lời đồn đoán về việc Chính phủ nước này sẽ bị lật đổ và Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra buộc phải tử chức.
Hiện chưa rõ ai thực hiện vụ đánh bom này nhưng lãnh đạo phe đối lập, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban đã đổ lỗi cho Chính phủ Thái Lan và tuyên bố vụ đánh bom không làm nhụt “nhuệ khí” của hàng nghìn người biểu tình.
Những người biểu tình bên ngoài một toà nhà bị nghi là nơi xuất phát của các cuộc tấn công nhằm vào người biểu tình tại Bangkok (Ảnh Reuters) |
Boonyakiat Karavekphan, một chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học Ramkamhaeng tại Bangkok, cho biết vụ đánh bom đã làm gia tăng đáng kể “khả năng đụng độ giữa người biểu tình và những nhóm người mà họ cho là kẻ thù của mình bao gồm cảnh sát và những lực lượng trung thành với Chính phủ nhằm kích động quân đội Thái Lan ra tay can thiệp”.Tuy nhiên, Tổ chức Nghiên cứu nguy cơ chính trị Eurasia cho biết: "Các vụ tấn công bạo lực đơn lẻ có thể làm dấy lên những phản ứng trả đũa vào cuối tuần này nhưng nó không đủ để có thể khiến quân đội ra tay can thiệp”.
Vụ tấn công ngày 17/1 làm 36 người bị thương. Trung tâm Y tế Erawan Medical Center, nơi chịu trách nhiệm giám sát các bệnh viện tại Bangkok, cho biết, trong số những người bị thương thì 1 người đàn ông 46 tuổi đã thiệt mạng do mất quá nhiều máu.
Nhân vụ việc này, ông Suthep tuyên bố ông dự định sẽ dẫn đầu một nhóm tuần hành tại chính nơi xảy ra vụ tấn công để tưởng nhớ nạn nhân xấu số trên.
Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan đã bác bỏ cáo buộc của ông Suthep rằng Chính phủ dính líu đến vụ tấn công vào những người biểu tình.
Anusorn Iamsa-ard, Phó phát ngôn viên của Đảng Pheu Thái của bà Yingluck, ngày 17/1, cho biết: “Đây là một hành động trong lúc tuyệt vọng của nhóm biểu tình. Họ đã cố gắng bao vây thành phố Bangkok nhưng họ đã không thành công chính vì vậy họ đang muốn thay đổi chiến thuật của mình bằng việc dựng lên nhiều vụ tấn công và cáo buộc Chính phủ đã thực hiện những vụ này”.
Trong khi đó, tại các thành phố miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan nơi có nhiều người ủng hộ gia đình Thaksin, hàng trăm nông dân đã lên kế hoạch biểu tình và chặn các tuyến đường giao thông nhằm yêu cầu Chính phủ trả tiền cho số gạo mà họ bán cho Chính phủ theo một chương trình trợ giá gây tranh cãi của Chính phủ Thái Lan.
“Chúng tôi sẽ tuần hành đến Bangkok để hoà cùng những người biểu tình tại đây nếu chúng tôi không nhận được tiền. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến chết”, một nông dân tham gia biểu tình tại tỉnh Phicit tuyên bố ngày 17/1.
Một cơ quan phòng chống tham nhũng Thái Lan cho biết họ sẽ điều tra số tiền biển thủ từ chương trình trợ giá của Chính phủ được bà Yingluck đề xuất trong đó cam kết với những người nông dân nghèo Thái Lan rằng họ có thể bán gạo của họ với giá cao hơn giá thị trường.
Nhiều người chỉ trích chương trình này vì cho rằng nó có dấu hiệu tham nhũng và cho rằng chương trình này đã tiêu tốn đến 12.9 tỷ USD tiền thuế của dân. Họ cũng cho biết số tiền này có thể giảm đáng kể nếu Chính phủ nỗ lực tìm được đầu ra cho số gạo tạm trữ trong kho của nhà nước.
Bà Yingluck đang là Chủ tịch Uỷ ban Gạo Quốc gia Thái Lan, chính vì vậy bà được cho là cũng sẽ phải đối mặt với những cáo trạng về tham nhũng.
Nguy cơ lớn nhất đối với Chính phủ của bà Yingluck chính là việc họ có thể dính líu tới những cáo trạng trên và điều này sẽ mở đường cho Toà án Thái Lan đưa ra những phán quyết buộc bà phải từ chức”, Tổ chức Eurasia cho biết./.