Ngày 18/3, Chính phủ Thái Lan đã nhóm họp và ra quyết định dỡ bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp trước thời hạn, việc dỡ bỏ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 19/3. Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được Chính phủ Thái Lan ban bố vào ngày 21/1, có hiệu lực trong 60 ngày, được áp dụng tại thủ đô Bangkok và một số tỉnh phụ cận.

thai-protest1.jpg
Người biểu tình chống Chính phủ trên đường phố Bangkok (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên thay vào đó, chính phủ Thái Lan cũng công bố, ngay ngày mai (19/3), sẽ áp dụng đạo luật An ninh nội địa. Đạo luật này dự kiến có hiệu lực đến ngày 30/4 tới.

Việc dỡ bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được đưa ra sau khi có những đánh giá của giới hữu quan cho rằng, tình hình căng thẳng tại Bangkok đã lắng xuống, tuy nhiên thực tế không hẳn như vậy.

Việc áp dụng sắc lệnh Tình trạng khẩn cấp để đối phó với các cuộc biểu tình chống chính phủ do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausuban cầm đầu trong thời gian đầu tỏ ra có hiệu quả, tuy nhiên chính quyền Thái Lan đã không thể sử dụng lệnh này như một công cụ hữu hiệu để đối phó lực lượng biểu tình. 

Khi sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, chính phủ Thái Lan sẽ giải tán Trung tâm bảo vệ trị an- cơ cấu cao nhất được Chính phủ thành lập khi áp dụng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó cuộc biểu tình chống Chính phủ.

Khi đạo luật An ninh nội địa được áp dụng, chính phủ sẽ thành lập một trung tâm chỉ huy điều hành phù hợp với việc áp dụng đạo luật này để tiếp tục đối phó với cuộc biểu tình chống chính phủ thông qua những biện pháp theo luật định, ngoại trừ tòa án các cấp ra các phán quyết cấm sau đó nếu có.

Trong khi đó, tại Bangkok, trong những ngày gần đây, tiếp tục xảy ra các vụ sử dụng vũ khí quân dụng bắn vào các địa điểm nhậy cảm cũng như bắn vào nhà riêng của thủ lĩnh cuộc biểu tình chống Chính phủ./.