Hôm nay (21/10), lần đầu tiên các quan chức cao cấp của chính quyền Hong Kong sẽ gặp gỡ với lãnh đạo phe sinh viên nhằm tháo ngòi cho hơn 3 tuần biểu tình đòi dân chủ khiến nhiều khu vực thuộc trung tâm tài chính châu Á này phải ngưng hoạt động.

bieu_tinh_hong_kong_mazk.jpegHọc sinh sinh viên Hong Kong thanm gia biểu tình (ảnh: AFP)
Ít có hy vọng cho bất cứ đột phá nào trong các cuộc thương thuyết được phát sóng trực tiếp vào tối nay. Hai bên được cho là sẽ không chịu nhượng bộ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tệ hại nhất ở cựu thuộc địa Anh quốc kể từ khi vùng đất này được trao trả cho Đại lục vào năm 1997.

Hôm qua (20/10), lãnh đạo Hong Kong Lương Chấn Anh nói với một số hãng truyền thông nước ngoài rằng bầu cử tự do là điều không chấp nhận được vì điều này có nguy cơ khiến cho người nghèo và giai cấp công nhân giành được tiếng nói áp đảo trong nền chính trị Hong Kong.

Cụ thể, ông Lương đã nói với tờ New York Times, Wall Street Journal và Financial Times như sau: “Nếu tất cả chỉ liên quan đến số lượng, đại diện theo số lượng thì người ta sẽ lại nói rằng một nửa dân số Hong Kong có thu nhập chưa đến 1.800 USD/tháng”. Theo ông Lương, như vậy là dân túy, là nguy hiểm, và hệ thống bầu cử cần bảo vệ các nhóm thiểu số.

Trong khi đó, giới phê bình cho rằng hệ thống chính trị hiện nay đã thiên vị người giàu ở Hong Kong – một trong các khu vực ở châu Á có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất. Hong Kong cũng là nơi đa số người dân không mua nổi nhà riêng.

Hồi tháng 8/2014, Bắc Kinh đề xuất cho người Hong Kong cơ hội bỏ phiếu chọn lãnh đạo của riêng mình vào năm 2017, nhưng đồng thời đặt điều kiện chỉ có 2 đến 3 ứng viên là được phép tham gia ứng cử sau khi được lựa chọn bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc.

Những người biểu tình cho rằng đây là dân chủ “giả hiệu” và tuyên bố sẽ không rời đường phố chừng nào Bắc Kinh chưa cho phép đề cử rộng rãi, cởi mở.

Giới chuyên gia cho rằng đàm phán giữa đại diện sinh viên và các lãnh đạo cấp cao của Hong Kong có thể đem lại các thành quả nhỏ liên quan đến xây dựng lòng tin, cũng như một thỏa thuận tiếp tục đối thoại. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng đàm phán khó mà khỏa lấp được khoảng cách lớn giữa hai bên.

Ông Lương Chấn Anh sẽ không tham gia vào đàm phán. Thay vào đó ông sẽ gửi 5 đặc phái viên tới đàm phán, bao gồm Thư ký trưởng Carrie Lam. Các cuộc thương thuyết sẽ được phát trực tiếp theo yêu cầu của lãnh đạo sinh viên nhằm công khai hóa cuộc tranh luận về dân chủ.

Nathan Law, hội viên Liên hiệp Sinh viên Hong Kong nói: “Đây là thời khắc lịch sử bởi vì đây là lần đầu tiên ở Hong Kong, một nhóm biểu tình có thể ngồi ngang hàng với chính quyền”.

Các màn hình lớn sẽ được dựng lên ở khu vực biểu tình để phát trực tiếp quá trình đàm phán tới những người biểu tình./.