Cuộc khủng hoảng tại Hong Kong vẫn đang lún sâu vào bế tắc khi các cuộc biểu tình đòi dân chủ bước vào tuần thứ 4. Tới nay, chính quyền Hong Kong đã áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn trong khi những người biểu tình ngày càng phản kháng lực lượng cảnh sát một cách quyết liệt hơn.

Trong hai ngày 18 và 19/10, hàng chục người, trong đó có 22 cảnh sát đã bị thương trong các cuộc đụng độ tại quận Mong Kok. Cảnh sát Hong Kong cho biết, ban đầu, đã có 4 người đã bị bắt giữ vào rạng sáng 19/10.

21afb96c47a55f28620f6a706700dfda_eujy.jpgCảnh sát Hong Kong ngăn chặn một người biểu tình quá khích (Ảnh Reuters)

Sáng sớm 20/10, căng thẳng tại khu vực Mong Kok đã lắng dịu hơn, mặc dù vẫn còn khá nhiều người biểu tình vẫn tiếp tục chiếm đóng các con đường.

Hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất tại Hong Kong giờ đây được đặt vào cuộc đối thoại giữa chính quyền Hong Kong và những sinh viên lãnh đạo cuộc biểu tình sẽ được truyền hình trực tiếp vào ngày 21/10.

Tuy nhiên, khó có thể mong đợi một giải pháp chung cho hai bên về cách thức bầu cử người lãnh đạo tiếp theo của Hong Kong vào năm 2017.

Ông Sonny Lo, giáo sư tại Viện Giáo dục Hồng Kông cho biết: “Nếu cuộc đối thoại ngày 21/10 không đạt được đột phá, tôi lo ngại tình hình sẽ càng trở nên bế tắc và bạo lực tiếp diễn. Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới với nhiều vấn đề hơn. Tôi hy vọng chính quyền sẽ thỏa hiệp nhưng điều này thật khó có thể xảy ra”.

Trước đó, nhà lãnh đạo Hong Kong Lương Chấn Anh tuyên bố, chính quyền thành phố sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề bầu cử người lãnh đạo tiếp theo của Hong Kong.

Ông Lương Chấn Anh đã bác bỏ lời kêu gọi từ chức của người biểu tình và cho biết, ông hy vọng trong thời gian tới có thể tìm ra một giải pháp bất bạo động nhằm chấm dứt căng thẳng.

Trên kênh ATV của Hong Kong, ông nói: “Để tìm ra giải pháp cho vấn đề này, chúng tôi cần thêm thời gian. Chúng tôi cần thời gian để đối thoại với người dân, đặc biệt với các sinh viên trẻ tuổi. Những gì tôi muốn là vấn đề này sẽ kết thúc một cách hòa bình và có ý nghĩa”.

Lực lượng cảnh sát gồm 28.000 người đang phải vất vả đối phó với phong trào biểu tình do sinh viên dẫn đầu.

Ngày 19/10, khoảng 1.000 người đã tập trung tại Mong Kok nhằm tái chiếm khu vực này. Người biểu tình đội mũ bảo hiểm và dùng kính bảo hộ tiến về phía trước và dựng nên hàng rào chắn bằng kim loại.

Lực lượng cảnh sát chống bạo động đã sử dụng dùi cui nhằm trấn áp người biểu tình buộc đám đông phải rút lui giữa những tiếng la hét và những lời lăng mạ.

Đêm 19/10, người biểu tình một lần nữa trở lại với những tấm khiên chắn tự chế nhằm đối phó với dùi cui của cảnh sát. Tuy nhiên, khác với những đêm trước đó, đã không có cuộc đụng độ nào xảy ra.

Cảnh sát trưởng Hong Kong, ông Andy Tsang đã bày tỏ sự thất vọng của mình và cho biết, chính sách “vô cùng khoan dung” của cảnh sát đã không thể giải tán các cuộc biểu tình ngày càng trở nên “cực đoan và bạo lực hơn”./.