Reuters đưa tin, rạng sáng ngày 16/10, cảnh sát Hong Kong đã phải sử dụng bình xịt hơi cay để ngăn chặn đoàn người biểu tình đòi dân chủ tại một tuyến đường lớn gần văn phòng nhà lãnh đạo Hong Kong Lương Chấn Anh trong bối cảnh lực lượng biểu tình đang bày tỏ sự bất bình đối với vụ cảnh sát đánh người biểu tình vào ngày 15/10.

681693726e8e8528620f6a70670067f3_nuoq.jpgCảnh sát Hong Kong trấn áp người biểu tình (Ảnh Reuters)

Hàng trăm người đã tụ tập bên ngoài Sở cảnh sát gần quận Wan Chai vào rạng sáng ngày 16/10 để thể hiện sự phẫn nộ với hành động đánh người biểu tình của cảnh sát. Ngoài ra, hàng chục người khác cũng đã xếp hàng để khiếu nại chính thức về hành động này.

Ngày 15/10, các nhà chức trách cho biết, những cảnh sát tham gia vào vụ đánh đập Ken Tsang Kin-chiu, thành viên của đảng Công dân ủng hộ dân chủ sẽ bị đình chỉ công tác.

Đoạn phóng sự ghi lại cảnh đánh đập Ken Tsang Kin-chiu đã gây sốt trên internet và dấy lên phong trào phản đối mới tại Hong Kong sau khi các cuộc biểu tình đòi quyền bầu cử dân chủ đang có dấu hiệu giảm nhiệt.

Tsang đã được đưa tới bệnh viện sau vụ đánh đập và những người biểu tình đã đăng các bức ảnh cho thấy những vết bầm tím trên khuôn mặt và thân thể Tsang.

 Những vết bầm tím trên khuôn mặt và thân thể Ken Tsang Kin-chiu (Ảnh SCMP)

Tony Yip, một người biểu tình 23 tuổi cho biết: "Tôi nghĩ rằng cảnh sát đã phản bội chúng tôi, những công dân của Hong Kong. Họ đã sử dụng bạo lực đối với công dân bình thường”.

Đài truyền hình RTHK cho biết, những người biểu tình tiến vào đường Lung Wo, gần Văn phòng của người lãnh đạo Lương Chấn Anh, kéo đổ hàng rào và các chướng ngại vật.

Một nhiếp ảnh gia của Reuters đã chứng kiến tận mắt cảnh người biểu tình ẩu đả với một số cảnh sát buộc cảnh sát phải sử dụng bình xịt hơi cay.

Trước đó, cảnh sát Hong Kong bắt giữ ít nhất 45 người và dỡ bỏ hàng rào chắn để giải phóng giao thông. Giao thông tắc nghẽn tại các địa điểm biểu tình đã khiến nhiều khu vực trong thành phố bị cô lập.

Khi phong trào biểu tình lên cao, khoảng 100.000 người biểu tình đã xuống đường và tập trung tại khu vực trung tâm. Tuy nhiên sau đó, con số này bị sụt giảm đáng kể sau khi chính quyền Hong Kong tuyên bố, các cuộc biểu tình này là bất hợp pháp.

Ngày 15/10, tỷ phú giàu nhất Hong Kong Lý Gia Thành đã kêu gọi những người biểu tình trở về nhà.

Trước đó, ông Lý Gia Thành không có bất kỳ bình luận công khai về các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, vừa qua, ông cho rằng, nếu pháp luật Hong Kong bị phá vỡ thì đây là “nỗi đau lớn nhất” của thành phố.

Ông Lý Gia Thành nói: “Tôi kêu gọi tất cả mọi người không được gây ra các hành động quá khích. Tôi đề nghị tất cả mọi người không được để sự giận dữ ngày hôm nay trở thành sự hối tiếc ngày mai. Tôi tha thiết yêu cầu tất cả mọi người trở về nhà”./.