AFPdẫn lời Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản Katsutoshi Kawano tuyên bố như trên ngày 25/6 và khẳng định, Tokyo đang muốn đóng một vai trò quan trọng hơn đối với tình hình an ninh trong khu vực.

nhat_can_nhac_tham_gia_tuan_tra_chung_my_bien_dong_hinh_anh_qjnk.jpg
Quan chức Nhật Bản trao đổi cùng các phi công Philippines vừa tiến hành xong việc trinh sát ở Biển Đông bằng máy bay P3-C Orion (Ảnh Reuters)

Ông Kawano nhấn mạnh, những hành động cải tạo đảo của Trung Quốc đã “gây ra những mối quan ngại sâu sắc cho Nhật Bản”.

“Dù chưa có kế hoạch trinh sát trên Biển Đông nhưng dựa vào tình hình hiện nay, tôi cho rằng, Nhật Bản có thể cân nhắc đến việc này”, Đô đốc Kawano nói.

Trước đó, tại Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ- Trung, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không nhượng bộ trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.

Tuyên bố của ông Biden cho thấy, Mỹ không thể không quan ngại về tình hình leo thang căng thẳng trong tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Phó Tổng thống Biden cũng khẳng định, Mỹ muốn Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ thảo luận mọi vấn đề quan trọng trên thế giới. Tuy nhiên, ông Biden nhấn mạnh, Trung Quốc cần phải chân thành hơn với Mỹ.

“Tôi tin rằng, tầm ảnh hưởng trên toàn cầu của Trung Quốc trong tương lai phụ thuộc trực tiếp vào việc nước này thể hiện mình là một nước lớn có trách nhiệm như thế nào”, ông Biden nói.

Ông Biden cũng cảnh báo: “Những nước muốn từ bỏ giải pháp ngoại giao và sử dụng các biện pháp o ép và dọa dẫm các nước khác để giải quyết các tranh chấp chỉ gây thêm bất ổn mà thôi”.

Tranh chấp Biển Đông thể hiện rõ nhất sự rạn nứt trong quan hệ Mỹ- Trung. Mỹ đã nhiều lần bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực và kêu gọi Bắc Kinh dừng ngay việc cải tạo đảo.

Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự vượt ra ngoài biên giới của mình và mở rộng ra các vùng trời và vùng biển lân cận./.