1. Sáng 18/6, Hội thảo quốc tế lần thứ 2 với chủ đề "An ninh và Hợp tác ở Biển Đông: những vấn đề cấp bách và giải quyết xung đột" đã được khai mạc tại khách sạn Radisson Slavyaskaya ở Moscow.

Trung-Quoc-cai-tao-dao-o-Truong-Sa
Ảnh chụp từ máy bay quân sự Philippines cho thấy hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông (Ảnh: Reuters)

Trong phát biểu khai mạc, Giáo sư Mosyakov Quyền Giám đốc Viện Phương Đông học- Viện Hàn lâm Khoa học Nga (đơn vị chủ trì hội thảo) nhận định rằng, chính sách của Trung Quốc là một trong những nhân tố gây ra căng thẳng trên Biển Đông với việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với 80% diện tích Biển Đông.

Tuy nhiên, tuyên bố này của Trung Quốc không được bất cứ một quốc gia nào trên thế giới công nhận. Hơn nữa, hoạt động cải tạo, xây dựng và bồi đắp các đảo đang được Trung Quốc tiến hành rất nhanh, làm thay đổi hiện trạng địa lí, gây ra phản ứng của các nước láng giềng, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Cũng trong ngày hôm nay, tại cuộc họp báo được tổ chức tại Washington DC, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nhấn mạnh: Việc Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng xây dựng cơ sở vật chất tại các tiền đồn mà Bắc Kinh vừa xây dựng tại Biển Đông đang gây lo ngại không chỉ đối với Mỹ mà còn cả các nước trong khu vực, khiến căng thẳng gia tăng.

Theo một kết quả điều tra do Social Weather Stations - một tổ chức điều tra độc lập tiến hành cho thấy, có tới 8 trên 10 người Philippines lo ngại rằng, căng thẳng ở Biển Đông hiện nay có thể dẫn đến xung đột vũ trang với Trung Quốc.

2. Căng thẳng Nga - NATO tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Ngay sau khi NATO khởi động hàng loạt các cuộc tập trận tại khu vực Đông Âu với mục đích đối phó khủng hoảng tương tự như Ukraine, quân đội Nga ngày 19/6 cũng tuyên bố sẽ tiến hành tập trận quân sự đáp trả.

Theo thông báo của Quân khu miền Đông Nga, các sư đoàn tên lửa đặt tại bán đảo Kamchatka đã được đặt trong tình trạng báo động cao trong đợt tập trận mới nhất bên bờ Thái Bình Dương.

Giới chức quân sự Nga cho biết, trong đợt tập trận lần này, hơn 400 binh sỹ tên lửa sẽ luyện tập các khoa mục từ đảm bảo an ninh khi đội hình di chuyển cho đến thực hành tác chiến phòng không.

Cùng ngày, Quân khu miền Đông Nga cũng thông báo đang tham gia tập trận cấp chiến dịch trong đó bao gồm bắn thử tên lửa với các hệ thống tên lửa đất đối đất Iskander-M thế hệ mới.

Theo báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu kinh tế Áo, trường hợp xấu nhất xảy ra, EU sẽ thiệt hại tới 114 tỷ USD vì gia hạn trừng phạt Nga. Đây sẽ là một viễn cảnh xấu bởi châu Âu đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn về kinh tế với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục. 

3. Kẻ tình nghi xả súng tại nhà thờ ở Nam Carolina làm 9 người thiệt mạngđã bị bắt giữ tại Shelby, Bắc Carolina.

Phát biểu tại cuộc họp báo tối 18/6, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch cũng xác nhận nghi phạm đã bị cảnh sát bắt giữ, đồng thời khẳng định sẽ đưa kẻ thực hiện vụ tấn công ra trước tòa án pháp lí.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18/6 bày tỏ “đau buồn và giận dữ” trước vụ xả súng tại nhà thờ Charleston khiến 9 người da đen thiệt mạng.

Ông Obama cũng bày tỏ thất vọng với bầu không khí chính trị tại Mỹ khiến việc thắt chặt khả năng sở hữu súng của bất kỳ một người dân Mỹ nào trở thành một việc gần như không thể thực hiện được”.

4. Ngày 18/6, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật về Quyền Thúc đẩy Thương mại (TPA), còn gọi là quyền đàm phán nhanh dành cho Tổng thống.

TPA được thông qua với tỷ lệ 218 phiếu thuận và 208 phiếu chống. Tuy nhiên, dự luật Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại (TAA), điều khoản quan trọng trong TPA lại chưa được Hạ viện đưa ra bỏ phiếu.

Quyền đàm phán nhanh (TPA) là một công cụ thiết yếu để Mỹ và 11 quốc gia khác có thể sớm hoàn tất Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tổng thống Obama đang dồn toàn lực để thuyết phục các nghị sỹ của Đảng Dân chủ ủng hộ trao cho ông TPA và TAA. Việc TPA được thông qua sẽ mở đường cho Tổng thống Obama toàn quyền xúc tiến các cuộc đàm phán TPP với 11 quốc gia đối tác. 

5. Sau 11 ngày làm lễ, sáng 19/6, Ban tổ chức lễ tang đã làm lễ hỏa táng cố Chủ tịch Đảng nhân dân, Cố Chủ tịch Thượng viện Campuchia Chea Sim.

Đại diện đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế cùng với hơn 40.000  người đã tham gia lễ hỏa táng này.

Sau khi làm lễ động quan tại nhà riêng, khoảng 7 giờ sáng, linh cữu cố Chủ tịch Thượng viện Campuchia được đưa lên xe tang chở về trụ sở Đảng Nhân dân Campuchia và trụ sở Thượng viện để làm lễ cầu siêu.

Đích thân Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni châm lửa hỏa thiêu thi hài của ông Chea Sim. 

Ngày  hỏa thiêu ông Chea Sim được Chính phủ Hoàng gia Campuchia chọn là ngày quốc tang, các cơ quan Nhà nước nghỉ làm và treo cờ rũ; các cơ sở vui chơi giải trí ngưng các hoạt động văn nghệ; các đài phát thanh và truyền hình ngưng phát các chương trình giải trí./.