Một trong những vấn đề như vậy đã được đoàn Nga đề xuất cho cuộc tranh luận chung tại IPU-133, sẽ được tổ chức vào tháng 10/2015 ở Geneva, Thụy Sĩ. Đó là chủ đề kỷ niệm lần thứ 70 Thế chiến II và kỷ niệm ngày thành lập Liên Hợp Quốc lần thứ 70. Theo ông Kosachev, chủ đề này không chỉ quan trọng từ quan điểm lịch sử mà còn nhằm ngăn ngừa sự tôn vinh chủ nghĩa phát xít và những nỗ lực biện minh cho chủ nghĩa cực đoan chính trị đang được tiến hành ở một số nước hiện nay.
Người đứng đầu phái đoàn Nga cho rằng tại các phiên họp Liên nghị viện thế giới cần phải thảo luận về các vấn đề quan trọng như không chấp nhận việc can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền và thay đổi chế độ bằng cách can thiệp của các lực lượng từ bên ngoài. "Chúng ta đang chứng kiến hậu quả nghiêm trọng của cuộc đảo chính tháng 2/2014 ở Ukraine và những cuộc "cách mạng màu" đã xảy ra trong những năm gần đây ở các nước khác nhau trên thế giới. Chúng tôi tin tưởng rằng cần phải đưa ra các tiêu chuẩn chung để đánh giá và phản ứng một cách đúng đắn trước các tình huống tương tự", ông Konstantin Kosachev nói.
Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh "Sputnik", đại biểu đoàn Việt Nam dự Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU —132), ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội đã nói: "Báo cáo của Trưởng đoàn Nga đã được trình bày một cách rất kiềm chế và có sức thuyết phục. Sáng kiến của Nga được các nghị sĩ trên thế giới ủng hộ. Nga có thể và cần phải đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển hòa bình và bền vững của nhân loại."
Tại phiên họp Đại hội đồng Liên nghị viện thế giới, đoàn Nga đã nêu tình hình thực tế ở Ukraine với cộng đồng quốc tế. Theo ghi nhận của các nghị sĩ Nga, quan điểm các đồng nghiệp nước ngoài về những gì đang xảy ra ở Đông Nam Ukraine được hình thành hoàn toàn trên cơ sở nguồn tin phương Tây, và họ không biết gì về sự tàn phá khủng khiếp và thương vong cho dân thường Donbass. Trong cuộc họp với các đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia, các đại biểu Nga đã giới thiệu với họ những băng video và các ấn phẩm, cung cấp bằng chứng về bạo lực đối với dân thường Donbass, cũng như sự vi phạm nhân quyền ở phía đông Ukraine.
Khi phát biểu tại Ủy ban về Dân chủ và Nhân quyền của Hội đồng Liên bang, bà Valentina Petrenko, Chủ tịch phong trào "Bà mẹ Nga" cũng đã nói: "Chúng ta không thể chấp nhận những gì diễn ra ở Đông Ukraine và trong thế giới tra tấn, bạo lực, vi phạm quyền con người, đặc biệt là đối với thường dân, trẻ em, người già và phụ nữ. Chúng ta cần phải phát triển các cơ chế có thể cho phép trừng phạt, hoặc các biện pháp khác để xử lý những hành động trong cuộc xung đột quân sự, khi mà dân thường phải chịu bạo lực."
Chúng tôi hy vọng rằng, sau khi trở về, các nghị sĩ từ các nước khác nhau sẽ đề xuất lên chính phủ và các cử tri những thông tin mà các đối tác Nga cung cấp cho họ, và điều đó sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới việc thay đổi ý kiến công chúng về cuộc khủng hoảng Ukraine./.