Tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) đang diễn ra tại Hà Nội, Ủy ban thường trực về Hòa bình và An ninh của Liên minh Nghị viện thế giới đã nhất trí thông qua Dự thảo Nghị quyết về “Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh thế giới”.Dự thảo Nghị quyết này sẽ được trình lên IPU thông qua vào hôm nay (1/4).

ipu132_zydn.jpgCác đại biểu tại IPU-132

Ủy ban Hòa bình và An ninh IPU xác định, chiến tranh mạng là một chủ đề rất nhạy cảm và tốn nhiều thời gian thảo luận của đại biểu các nước, bởi nền tảng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin khác nhau. Chính vì thế, dự thảo cuối cùng đã kêu gọi sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ, trong đó các nước đi trước, có điều kiện về công nghệ cũng như các phương thức bảo vệ không gian mạng của mình chia sẻ với các nước đang phát triển. Đây là điều hết sức cần thiết để đảm bảo một không gian mạng chung lành mạnh.

Dự thảo cuối cùng ghi nhận những đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ thông tin cho nhân loại, song cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những hoạt động gây mất an toàn không gian mạng và những nguy cơ có thể bùng nổ chiến tranh mạng.

Mỗi Quốc hội cần phải nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý của nước mình, một mặt để đảm bảo phát triển công nghệ thông tin và quyền tiếp cận của người dân đối với những tiến bộ này, nhưng cũng phải đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng.

Từ một văn bản gồm 15 điều, Dự thảo cuối cùng Nghị quyết về “Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh thế giới” đã được các nước bổ sung lên đến 33 điều. Trong bản Dự thảo cuối cùng này, đoàn Việt Nam đã đóng góp 8 ý kiến và có một ý kiến khác đã được một số nước bạn đề xuất. Toàn bộ ý kiến của Việt Nam đóng góp đã được ghi nhận trong Dự thảo cuối cùng của Nghị quyết này.

Đại diện đoàn Việt nam, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, ông Vũ Xuân Hồng, cho biết: “Ý kiến của chúng ta đã được nhiều nước bạn đồng tình. Trong đó đặc biệt là ý kiến đề nghị IPU kiến nghị với Liên Hợp Quốc mở một hội nghị quốc tế về vấn đề không gian mạng, an toàn mạng và chiến tranh mạng; có thể tiến tới có một hiệp ước hoặc công ước toàn thế giới để đảm bảo không gian mạng phát triển lành mạnh, ngăn chặn chiến tranh mạng; có biện pháp hữu hiệu giữa các nước để chống lại chiến tranh mạng và các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra. Nếu có được điều này, đây sẽ là đóng góp rất quan trọng của hội nghị tại Hà Nội lần này”.

Cũng tại cuộc họp này, Ủy ban Hòa bình và An ninh IPU đã đưa ra 2 gợi ý chủ đề cho các kỳ họp tới, đó là chủ đề chống ma túy và tội phạm ma túy do Mexico và Thụy Điển đồng bảo trợ và chủ đề chống khủng bố do Ấn Độ bảo trợ.

Ủy ban Hòa bình và An ninh IPU xác định đây là 2 vấn đề có mối liên hệ mật thiết và đều mang tính cấp bách. Tuy nhiên, xét bối cảnh thế giới hiện nay, Ủy ban đã bỏ phiếu và thông qua việc chọn chủ đề chống khủng bố để tiếp tục thảo luận và thúc đẩy đưa ra nghị quyết trình lên IPU trong thời gian tới./.