Thông tin trên được hãng thông tấn IranFars Newsđưa ra ngày 21/7, gần 1 tuần sau vụ đảo chính quân sự bất thành diễn ra tại thành phố Istanbul và thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ.

dao_chinh_nhdv.jpg
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đứng trên một chiếc xe tăng tham gia cuộc đảo chính bất thành. Ảnh Reuters

Theo đó, tình báo Nga đã thu thập được các thông tin liên lạc giữa các sĩ quan cao cấp của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy họ đang âm mưu tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Erdogan và công tác chuẩn bị đang diễn ra. Thông tin trên sau đó được Nga chia sẻ với Cơ quan Tình báo Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ.

Far News dẫn lời một quan chức ngoại giao Nga cho biết, trong nội dung thông tin liên lạc mà phía Nga thu thập được, các binh sĩ tham gia đảo chính được ra lệnh bắt giữ hoặc tiêu diệt Tổng thống Erdogan, người đang đi nghỉ tại thị trấn Marmaris.

Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã xấu đi trông thấy sau vụ tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga đang làm nhiệm vụ tiêu diệt IS tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria hồi tháng 11/2015. Tuy nhiên, quan hệ giữa 2 bên gần đây đã được cải thiện sau khi ông Erdogan đích thân xin lỗi Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6 vừa qua.

Fars News cho biết: “Nguồn tin ngoại giao Nga tiết lộ, chính sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của ông Erdogan đối với Nga đã “trở thành nguyên nhân chính thúc đẩy các nước khác hối thúc và ủng hộ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành đảo chính. Việc ông Erdogan nối lại quan hệ với Nga đã cứu sống ông”.

Dù cả Chính phủ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều không ra tuyên bố chính thức liên quan đến thông tin nói trên, giới chức quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/7 đã ra thông cáo khẳng định Cơ quan Tình báo Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được một vài cảnh báo trước khi vụ đảo chính diễn ra.

Cuộc đảo chính bất thành đó đã khiến gần 300 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen- người đang sống lưu vong tại Mỹ và từng là đồng minh của ông Erdogan- là người đứng sau đạo diễn vụ đảo chính này. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã yêu cầu Chính phủ Mỹ dẫn độ ông Gulen về nước để xét xử.

Sau cuộc đảo chính nói trên, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã mạnh tay trấn áp những người được cho là có liên quan. Gần 50.000 người, trong đó có các quân nhân, các nhà giáo dục, thẩm phán và nhân viên dân sự, đã trở thành mục tiêu trấn áp trong vụ này.

Ngày 20/7, Tổng thống Erdogan đã tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp trong vòng 3 tháng tại Thổ Nhĩ Kỳ để “loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa đảo chính”. Ông Erdogan cho rằng, có “bàn tay từ bên ngoài nhúng vào vụ đảo chính này”.

“Có thể có nhiều quốc gia đứng sau ủng hộ vụ đảo chính. Những kẻ ủng hộ giáo sĩ Gulen có mạng lưới tình báo hết sức tinh vi và có thể lên kế hoạch chi tiết cho một vụ đảo chính như thế này. Rồi sẽ có lúc mọi kẻ dính líu đến vụ việc này sẽ phải lộ mặt”, ông Erdogan khẳng định./.