Tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn diễn biến hết sức căng thẳng sau vụ đảo chính. Ngày 19/7, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch truy quét và “làm trong sạch” bộ máy công quyền bằng việc thông báo sa thải thêm hàng trăm nhân viên do bị nghi liên quan đến vụ đảo chính.
Liên Hợp Quốc và nhiều nước trên thế giới tiếp tục lên tiếng bày tỏ quan ngại về những diễn biến tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho rằng, chiến dịch truy quét và “làm trong sạch” bộ máy công quyền mà Chính phủ nước này đang thực hiện có thể trở thành “một cuộc thanh trừng chính trị”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 7.000 binh sĩ, cảnh sát và dân thường sau cuộc đảo chính hôm 15/7. (Ảnh: DW). |
Tính đến nay đã có ít nhất 45.000 người bị bắt giữ, sa thải hoặc đình chỉ khỏi các vị trí mà họ đang nắm giữ sau vụ đảo chính cuối tuần qua tại Thổ Nhĩ Kỳ. “Chính sách thẳng tay trừng trị những người được cho là có liên quan đến đảo chính” không chỉ dừng lại ở giới chức và những người làm việc trong quân đội mà đã được mở rộng sang các ngành nghề khác như giáo viên, những người có chức sắc tại các trường đại học và cả giới truyền thông.
Hãng Thông tấn nhà nước Anadolu ngày 19/7 đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu 1.577 trưởng khoa ở các trường đại học từ chức do bị nghi có liên quan đến vụ đảo chính bất thành hồi tuần trước. Bộ Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo hơn 15.000 nhân viên của ngành đã bị đình chỉ công việc.
Cùng ngày, một tổ chức quan sát truyền hình cho biết, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã rút giấy phép hoạt động của tất cả các đài phát thanh và truyền hình có liên quan tới Giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính. Ít nhất, 34 phóng viên được cho là có quan hệ với giáo sĩ này bị thu hồi thẻ nhà báo. Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh săn lùng các phần tử dính đến đảo chính
Ước tính, kể từ sau vụ đảo chính do một nhóm binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải gần 9.000 nhân viên làm việc trong lực lượng cảnh sát, hội đồng nhân dân, cơ quan chính phủ và bắt giam khoảng 7.500 người, trong đó có hơn 100 tướng lĩnh quân đội.
Theo nguồn tin Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, những người bị bắt giữ, sa thải hoặc bị đình chỉ công tác đều là "đồng minh" của giáo sĩ Fethullah Gulen. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, tuyên bố sẽ “thanh trừ tận gốc những người gây ra vụ đảo chính”.
Cùng với việc đẩy mạnh chiến dịch truy quét, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang gia tăng sức ép buộc Mỹ phải trục xuất ông Fethullah Gulen về nước. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 19/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đưa ra vấn đề này ra thảo luận. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Mỹ nên trục xuất vị giáo sĩ này về nước thay vì đòi hỏi Thổ Nhĩ Kỳ phải đưa ra chứng cứ về vụ đảo chính liên quan đến nhân vật này.
Còn phía Mỹ, người phát ngôn Nhà trắng, Josh Earnest nói rằng, việc Mỹ có trục xuất hay không giáo sĩ Gulen sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận giữa hai nước. Ông Earnest cũng cho biết, Tổng thống Obama đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ hãy tạm thời kiềm chế, không nóng vội trừng phạt những người gây ra đảo chính. Hậu đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ: Erdogan tăng quyền lực, đối mặt với chia rẽ
Về phía mình, ông Gulen đến nay vẫn một mực phủ nhận đứng đằng sau vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện chiến dịch truy quét những người được cho là có liên quan đến đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
Liên Hợp Quốc ngày 19/7 đã chỉ trích âm mưu đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ song kêu gọi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cần tôn trọng quy định của pháp luật và bảo vệ quyền con người.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Văn phòng Cao Uỷ Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (OHCHR), Ravina Shamdasani nhấn mạnh: “Chúng tôi kịch liệt lên án vụ đảo chính và bất cứ sự can thiệp quân sự nào nhằm phá vỡ quy tắc dân chủ. Chúng tôi lấy làm tiếc khi có nhiều người phải mất mạng trong vụ đảo chính".
"Chúng tôi cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ trước việc người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã dũng cảm đứng lên để ngăn chặn vụ đảo chính, được xem là làm ảnh hưởng đến nền dân chủ. Chúng tôi cũng nhất mạnh rằng, điều quan trọng là những người có liên quan đến vụ việc này phải bị đưa ra trừng trị trước pháp luật. Tuy nhiên, việc đưa họ ra trước pháp luật phải tuân thủ đúng trình tự thủ tục pháp lý”, ông Ravina Shamdasani nói. 5 điều rút ra sau cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ
Người đứng đầu cơ quan nội vụ Đức tỉnh Bavaria, Joachim Herrmann trong cuộc phỏng vấn nhật báo Berliner Zeitung, Đức cùng ngày đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ gia tăng bạo lực tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho rằng, những căng thẳng này có thể làm ảnh hưởng đến cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức.
Còn Chủ tịch nghị viện châu Âu Martin Schulz đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành “các cuộc trả thù” nhằm vào những người đối lập và giới phân tích. Ông Schulz cũng nhấn mạnh, ý tưởng về việc khôi phục án tử hình tại Thổ Nhĩ Kỳ là cực kỳ đáng lo ngại. Ông cũng cảnh báo, những động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ có thể đặt dấu chấm hết cho cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ./.