Phát biểu tại cuộc họp báo bên lề một hội nghị các nhà tài trợ Iraq ở Washington, Mỹ, Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders nói: "Chúng tôi quan ngại nghiêm trọng về tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ.

tho_mdiu.jpg
Các hoạt động thanh trừng sau đảo chính của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến phương Tây hết sức hoang mang. Ảnh Reuters

Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác của chúng tôi và chúng tôi làm việc trong một cộng đồng có giá trị. Do vậy, chúng tôi muốn gửi một tín hiệu mạnh mẽ về sự cần thiết phải tôn trọng nguyên tắc của pháp luật tại Thổ Nhĩ Kỳ".

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết Chính phủ Đức đang xem xét báo cáo về tình hình bắt bớ tại Thổ Nhĩ Kỳ: "Chúng tôi bày tỏ sự lo ngại khi nghe tin hàng ngàn người đã bị sa thải, bị đình chỉ, bao gồm cả binh sĩ và thẩm phán và các giáo sư đại học đang bị ngăn rời khỏi đất nước. Cuộc đảo chính đã xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng cần phải tôn trọng những tiêu chuẩn luật pháp”.

Liên quan đến tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 19/7, kênh truyền hình NTV đưa tin trong quá trình điều tra tất cả thẩm phán quân sự cũng như các công tố viên được xem có liên quan đến vụ đảo chính xảy ra ngày 15/7, Bộ Quốc phòng nước này đã đình chỉ công tác 262 thẩm phán quân sự và công tố viên.

Cùng ngày, một quan chức giấu tên của Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết chính quyền nước này đã đình chỉ công tác 900 cảnh sát ở thủ đô Ankara vì bị tình nghi có liên hệ với một phong trào Hồi giáo do giáo sĩ Fethullah Gulen  người đang sống lưu vong ở Mỹ, đứng đầu và hiện bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính vừa qua.

Như vậy, kể từ sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ công tác và bắt giữ khoảng 60.000 quân nhân, cảnh sát, thẩm phán, công chức và giáo viên trong các chiến dịch truy quét những đối tượng tình nghi./.