Ngày 1/10 Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev cảnh báo Macedonia sẽ phải đối mặt với bầu cử Quốc hội sớm nếu phe đối lập không ủng hộ kế hoạch sửa đổi hiến pháp liên quan tới việc thay đổi tên nước theo sau cuộc trưng cầu dân ý một ngày trước đó.

zaev_uy_ban_chau_au_jbua_fgum.jpg
Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev. Ảnh: Ủy ban châu Âu
Kết quả trưng cầu dân ý về việc đổi tên nước, mở đường cho Macedonia gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vào ngày 30/9 đang đặt quốc gia vùng Balkan  này vào thế khó. Tỉ lệ người dân đi bầu không hội đủ 50% theo luật định để cuộc trưng cầu có tính hợp lệ cho dù có tới hơn 91% số người đi bầu ủng hộ việc đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia.

Quan trọng hơn, phe đối lập tẩy chay cuộc bỏ phiếu, cho rằng việc đổi tên nước vi phạm hiến pháp và chủ quyền của Macedonia. Quan điểm cứng rắn của phe đối lập chắc chắn sẽ gây khó khăn cho Thủ tướng Zoran Zaev trong các cuộc đàm phán diễn ra trong vài ngày tới để thuyết phục họ đồng ý với phương án sửa đổi hiến pháp, chấm dứt tranh cãi với nước láng giềng Hy Lạp và tiến gần hơn tới mục tiêu gia nhập EU cũng như NATO.

Phát biểu với các nhà báo tại thủ đô Skopje ngày 1/10, Thủ tướng Zaev cảnh báo nếu không có thỏa thuận nào đạt được với phe đối lập tại Quốc hội trong vài ngày tới, phương án bầu cử sớm sẽ được lựa chọn và đây sẽ là giải pháp cuối cùng cho dù ông không muốn điều đó xảy ra. Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ nói rằng ông hy vọng bế tắc sẽ được khơi thông và mọi việc sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch.

Trong khi đó các nhà phân tích lo ngại kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, dù không có tính ràng buộc, có thể đẩy Macedonia vào một cuộc khủng hoảng chính trị. Trong tình huống xấu nhất, nếu giải pháp bầu cử sớm được lựa chọn, thời điểm sớm nhất để tiến hành bầu cử sẽ là tháng 11 tới theo cảnh báo của Thủ tướng Zaev. Và như thế Macedonia hầu như sẽ không còn thời gian thực hiện sửa đổi hiến pháp do quá trình này sẽ phải lui lại tới sang đầu năm sau, nhưng lúc đó lại tiệm cận với thời điểm chuẩn bị cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ diễn ra vào tháng 5.

Đó là còn chưa kể khó khăn từ phía nước láng giềng Hy Lạp, bởi thỏa thuận ký hồi tháng 6 về đổi tên nước Macedonia cũng cần phải được Quốc hội Hy Lạp phê chuẩn trong khi chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras cũng đang phải đối mặt với sự phản đối từ phe đối lập. Và cũng chưa biết liệu Thủ tướng Tsipras có trúng cử nhiệm kỳ tiếp theo hay không khi Hy Lạp tiến hành tổng tuyển cử vào năm tới.

Nếu Thủ tướng Zaev và phe đối lập không đạt được thỏa thuận ủng hộ sửa đổi hiến pháp, nó có thể sẽ đặt dấu chấm hết tới viễn cảnh Macedonia gia nhập EU và NATO trong tương lai.  

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Federica Mogherini cho rằng, giờ đây là lúc Quốc hội Macedonia cần phải đưa ra quyết định tiến hành bước đi tiếp theo thông qua việc sửa đổi tên nước. Còn một nhà ngoại giao NATO tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng NATO không muốn bị lôi kéo vào công việc nội bộ của Macedonia, nhưng ông cũng cảnh báo nếu Macedonia không biết tận dụng thời điểm này, không biết cho đến bao giờ cơ hội lần thứ hai sẽ xuất hiện.

Sức ép đang đè nặng lên vai Thủ tướng Zoran Zaev trong vài ngày nữa với sứ mạng thuyết phục bằng được phe đối lập ủng hộ kế hoạch sửa đổi hiến pháp, ngược lại một cuộc bầu cử Quốc hội sớm sẽ diễn ra, và nó có thể đẩy Macedonia rơi vào thế bế tắc chính trị./.