Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev khẳng định, đa phần cử tri tham gia cuộc trưng cầu ý dân về việc đổi tên nước đồng ý với bản thỏa thuận Macedonia đã ký với Hy Lạp để mở đường cho nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).

zaev_uy_ban_chau_au_jbua.jpg
Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev. Ảnh: Ủy ban châu Âu

Ngày 30/9, các cử tri Macedonia đã tham gia cuộc trưng cầu ý dân về thỏa thuận đổi tên chính thức của nước này từ Cộng hòa Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Theo thông báo của Ủy ban Bầu cử quốc gia Macedonia, trên 91% cử tri ủng hộ thỏa thuận đổi tên nước đã ký với Hy Lạp trong khi chỉ có trên 5% cử tri phản đối. Tuy nhiên, chỉ với 36,36% cử tri tham gia cuộc trưng cầu ý dân sau khi kiểm đếm hơn 91% số phiếu bầu, cuộc bỏ phiếu này đã thất bại do chưa đạt được con số cần thiết là 50% cử tri tham gia.

Phát biểu tại một buổi họp báo, Thủ tướng Zaev khẳng định, với hơn 650 nghìn cử tri tham gia, cuộc bỏ phiếu là một dấu mốc quan trọng cho tương lai của Macedonia. Đã có hơn 90% cử tri bỏ phiếu đồng ý đổi tên nước và ủng hộ thỏa thuận Macedonia đã ký với Hy Lạp và trở thành thành viên của NATO và EU. Thủ tướng Zaev còn cho biết, trong tuần tới Chính phủ sẽ cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của 2/3 số nghị sỹ Quốc hội để thông qua một số nội dung sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với thỏa thuận mà nước này đạt được với Athens. Trong trường hợp đề nghị của Chính phủ không được thông qua, nước này sẽ giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử sớm.

Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội Twitter, Ủy viên châu Âu phụ trách mở rộng EU Johannes Hahn khẳng định, kết quả cuộc bầu cử cho thấy người dân Macedonia mong muốn hội nhập EU và kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị tôn trọng quyết định này vì lợi ích của đất nước.

Hôm 17/6, các ngoại trưởng của Hy Lạp và Macedonia đã ký một thỏa thuận quan trọng về việc đổi tên nước Cộng hòa Macedonia thuộc Liên bang Nam Tư trước đây thành Cộng hòa Bắc Macedonia trong khu vực Prespa, đồng thời cũng chấp dứt cuộc tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ đối với việc sử dụng tên gọi “Macedonia ” vốn bị Hy Lạp phản đối do trùng với tên một khu vực của nước này.

Việc đổi tên gọi sang mới sẽ mở đường cho Macedonia gia nhập EU và NATO vốn từ lâu nay bị Hy Lạp phản đối do lo ngại về khả năng Macedonia có thể có tuyên bố chủ quyền đối với khu vực cùng tên của Hy Lạp./.