Những người phản đối mang biểu ngữ “Chúng tôi không muốn từ bỏ tên của mình” và yêu cầu Chính phủ hủy bỏ thỏa thuận với Hy Lạp. Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hy Lạp và Macedonia đã ký vào một thỏa thuận đổi tên nước Cộng hòa Nam Tư cũ này thành Cộng hòa Bắc Macedonia.

macedonia_xlai.jpg
Người Macedonia xuống đường biểu tình phản đối việc đổi tên nước. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận được cho là sẽ mở đường để Macedonia có thể trở thành một phần của Liên minh châu Âu và Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Tuy nhiên, thỏa thuận cũng vấp phải sự phản đối với những người theo đường lối chủ nghĩa dân tộc.

Nước Cộng hòa Macedonia tuyên bố độc lập vào năm 1991, sau khi chia tách khỏi Liên bang Nam Tư cũ. Tuy nhiên, Hy Lạp đã không chấp nhận tên của nước này với lý do Macedonia là một vùng đất lịch sử nằm trên lãnh thổ nhiều quốc gia khác nhau và có lịch sử/văn hóa gắn liền Hy Lạp.

Vào ngày 12/6 vừa qua hai chính phủ Macedonia và Hy Lạp đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ chấm dứt tranh chấp, trong đó có việc tên nước Macedonia sẽ được đổi thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Cũng chính vì cái tên Macedonia mà Hy Lạp đang tìm mọi cách ngăn cản để không cho Macedonia gia nhập Liên minh Châu Âu.

Macedonia sẽ phải sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với tên mới theo thỏa thuận. Một cuộc trưng cầu ý dân sẽ được tổ chức vào mùa thu năm nay. Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov cũng phản đối thỏa thuận này và ông từ chối ký vào thỏa thuận mặc dù bản thỏa thuận đã được Quốc hội thông qua hôm 20/6./.