Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev vừa kêu gọi Quốc hội nước này “khẳng định ý chí của số đông” sau khi “hơn 90%” cử tri đi bỏ phiếu trưng cầu ý dân ngày 30/9 tán thành việc đổi tên nước thành “Cộng hòa Bắc Macedonia” để mở đường cho nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).

zoran_zaev_juyw.jpg
Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev. (Ảnh: Reuters)

Kết quả từ 58% điểm bỏ phiếu cho thấy 90,8% cử tri Macedonia ủng hộ việc đổi tên. Nhưng nửa tiếng sau khi các điểm bầu cử đóng cửa (18h30 theo giờ địa phương), quan chức bầu cử Macedonia cho biết, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 34% (dựa trên số liệu từ 85% điểm bỏ phiếu).

Lãnh đạo đảng đối lập chính ở Macedonia Hristijan Mickovski đã chỉ trích chính phủ và Thủ tướng Zoran Zaev về điều mà ông gọi là “một cuộc trưng cầu ý dân cực kỳ thất bại” bởi tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu quá thấp.

Thất bại này “dội một gáo nước lạnh” vào Thủ tướng Zoran Zaev, người đang thúc đẩy đàm phán để Macedonia gia nhập NATO và hy vọng sẽ nhận được một kết quả thắng lợi, tạo động lực mạnh mẽ cho tiến trình này.

Tranh cãi gần 3 thập kỷ

Chính phủ thân phương Tây của Mecedonia đã kêu gọi người dân ủng hộ việc đổi tên này để giải quyết tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ với Hy Lạp, một thành viên NATO đang cản trở nỗ lực của Macedonia nhằm gia nhập khối quân sự nay cũng như trở thành thành viên EU.

Hy Lạp lâu nay không công nhận Macedonia là một quốc gia mà thường thêm từ “miền Bắc” để phân biệt nước này với tỉnh Macedonia của Hy Lạp, nơi sinh của Alexander Đại đế. Tranh cãi này xuất phát từ năm 1991, khi Macedonia tuyên bố độc lập khỏi Nam Tư (Yugoslavia).

Từ đó đến nay đã có nhiều đề xuất được đưa ra nhưng bị bác bỏ cho đến năm ngoái, chính phủ mới ở Macedonia cuối cùng cũng đưa vấn đề này ra đàm phán một cách nghiêm túc.

Cử tri trẻ ủng hộ việc đổi tên nước với hy vọng điều này sẽ mở đường cho Macedonia gia nhập EU và NATO, giúp nước này giải quyết vấn đề giáo dục và thất nghiệp. (Ảnh: EPA)

Hồi tháng 6, sau nhiều tháng đàm phán, Hy Lạp và Macedonia đã đạt được một thỏa thuận, theo đó, Macedonia sẽ thêm chữ “Bắc” trước tên nước còn Hy Lạp sẽ không phản đối nước này gia nhập NATO nữa. Ủy ban châu Âu (EU) đã ra tuyên bố hoan nghênh “thỏa thuận lịch sử” này, cho rằng nó “đóng góp cho sự chuyển biến của toàn bộ khu vực Nam – Đông Âu”.

Tương lai còn để ngỏ ở EU và NATO

Câu hỏi được đưa ra trưng cầu ý dân là: “Bạn có ủng hộ tư cách thành viên của NATO và EU với việc chấp nhận thỏa thuận với Hy Lạp hay không”.

Theo Hiến pháp Macedonia, nếu tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ít hơn 50%, kết quả trưng cầu ý dân sẽ không mang tính ràng buộc pháp lý. Nhưng kết quả đa số “đồng ý” sẽ trao cho Quốc hội Macedonia sứ mệnh chính trị để thay đổi Hiến pháp.

Thủ tướng Zoran Zaev đã đe dọa sẽ kêu gọi bầu cử sớm nếu Quốc hội không ủng hộ đề xuất này.

“Cuộc bỏ phiếu của các nghị sỹ ở Quốc hội phải là một cuộc bỏ phiếu vì trách nhiệm thúc đẩy tiến trình hướng tới NATO và EU” – ông Zaev nói rõ.

Nhưng đổi tên nước là một vấn đề nhạy cảm ở bất cứ đâu.

Cử tri lớn tuổi phản đối đổi tên nước. (Ảnh: AFP)

Chính Thủ tướng Zaev cũng từng thừa nhận rằng Macedonia không đổi tên vì muốn như thế mà chỉ vì “tương lai ở EU và NATO”. Theo ông, việc trở thành thành viên EU và NATO sẽ giúp giải quyết những vấn đề về thất nghiệp và an sinh xã hội của nước này. Lời kêu gọi này của ông nhằm hướng với đối tượng cử tri trẻ tuổi chiếm tới 1/4 dân số.

Những người phản đối việc đổi tên nước thì cho rằng Macedonia đang bị Hy Lạp và EU “bắt nạt”, bằng chứng là việc các chính trị gia hàng đầu của châu Âu công khai vận động cử tri bỏ phiếu tán thành đổi tên. Họ thậm chí không đi bỏ phiếu phản đối mà đã tẩy chay luôn cuộc trưng cầu ý dân ngày 30/9.

Trong số những người phản đối việc đổi tên có Tổng thống Gjorge Ivanov, người gọi thỏa thuận Macedonia – Hy Lạp là “xâm phạm trắng trợn chủ quyền” của nước này và là “hành động tự sát lịch sử”. Lãnh đạo đảng đối lập Mickoski thì gọi thỏa thuận đổi tên để được gia nhập EU và NATO là “sự sỉ nhục” đối với Macedonia./.