Hôm nay, thế giới kỷ niệm ngày ra đời của Liên Hợp Quốc (24/10/1945) và đó cũng là năm Hiến chương Liên Hợp Quốc có hiệu lực thi hành. 

Với chủ đề "Hợp tác vì sự tiến bộ toàn cầu", Ngày Liên Hợp Quốc năm nay nhấn mạnh 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỉ của Liên Hợp Quốc cũng như kế hoạch hành động toàn cầu để đạt được các mục tiêu này vào năm 2015.

Trong hơn 6 thập kỉ qua kể từ khi ra đời, Liên Hợp Quốc trung thành với nhiệm vụ của mình và tiếp tục đi đầu trong việc tìm kiếm hòa bình và an ninh, phát triển và bảo vệ quyền con người, tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống quốc tế và từng nước trên thế giới.

Ðóng góp lớn nhất của Liên Hợp Quốc là góp phần ngăn ngừa không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới trong hơn 60 năm qua. Một số cuộc khủng hoảng quốc tế đã được giải quyết với sự trung gian hòa giải của Liên Hợp Quốc.

ngan%20chan%20chien%20tranh.jpg
Biểu tượng ngăn chặn chiến tranh

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, tổ chức này đã hỗ trợ các cuộc thương lượng đưa đến giải pháp hòa bình cho hàng trăm cuộc xung đột ở các khu vực. Không chỉ trung thành với sứ mệnh cao cả là ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới, Liên Hợp Quốc cũng chứng tỏ sự đáp ứng đối với sự thay đổi của toàn cầu để giải quyết những thách thức mới và đang nổi lên của thế kỷ 21 như: biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe và quyền con người...

Trong thông điệp nhân Ngày Liên Hợp Quốc năm 2013, Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, đây là cơ hội để tôn vinh và đánh giá những đóng góp của Tổ chức này đối với tiến trình hòa bình chung, là thời điểm để xem xét lại những gì cần làm để giúp thế giới tốt đẹp hơn.

Tổng thư kí Ban Ki-moon nhấn mạnh:  “Chúng ta cùng tổng kết những gì Liên Hợp Quốc thực hiện trong các hoạt động chống xung đột vũ trang, đảm bảo quyền con người, môi trường và các lĩnh vực khác. Chúng ta tiếp tục thể hiện sự hợp tác tốt nhất có thể. Nhân Ngày Liên Hợp Quốc, chúng ta cùng cam kết thực hiện theo các ý tưởng từ khi mới thành lập, hợp tác vì hòa bình phát triển và quyền con người”.

Với chủ đề “Hợp tác vì sự tiến bộ toàn cầu”, ngày Liên Hợp Quốc năm nay tập trung vào 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỉ của Liên Hợp Quốc cũng như kế hoạch hành động toàn cầu để đạt được các mục tiêu này vào năm 2015 là: Xóa đói nghèo, đạt được phổ cập giáo dục tiểu học toàn cầu, tăng cường bình đẳng giới và trao nhiều quyền cho phụ nữ, giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, cải thiện sức khỏe bà mẹ sau sinh, đối phó với HIV/AIDS và các dịch bệnh khác, đảm bảo môi trường bền vững, phát triển một đối tác toàn cầu.

Ngày 20-9-1977, Việt Nam chính thức là thành viên của Liên Hợp Quốc. Ngay từ những ngày đầu tham gia đến nay, Việt Nam luôn chủ động đóng góp tiếng nói về những vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực Ðông Nam Á cũng như ở châu Á. Cùng với nhiều quốc gia thành viên khác, Việt Nam đã thúc đẩy Liên Hợp Quốc thông qua các nghị quyết, quyết định cùng các biện pháp cụ thể nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Liên Hợp Quốc.

Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá cao về việc hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, triển khai thành công đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc thực hiện các chương trình hành động của các hội nghị Hội nghị Liên Hợp Quốc về phát triển xã hội, môi trường, an ninh lương thực...

Tổng Giám đốc Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO) Jose Graziano da Silva đánh giá: "Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có lượng xuất khẩu lương thực tăng, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đây là yếu tố quan trọng đối với sự ổn định chính trị và hòa bình cho đất nước". Phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 9 vừa qua ở thành phố New York (Mỹ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, với tinh thần tích cực, xây dựng, hợp tác, có trách nhiệm trong đời sống quốc tế, Việt Nam quyết tâm phối hợp cùng các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và các đối tác của Liên Hợp Quốc, phấn đấu phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức vì lợi ích chung của các dân tộc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh:“Việt Nam sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã và sẽ mãi mãi là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”./.