Tại Hội nghị, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về giáo dục toàn cầu Gordon Brown cho biết chiến tranh đã khiến hệ thống giáo dục gần như sụp đổ, thậm chí nhiều trường học mở cửa trở lại cũng không đủ giáo viên hay nhiều nguồn lực khác để hoạt động.

Theo ông Brown, hiện hơn 1 triệu trẻ em Syria tại các trại tỵ nạn ở các quốc gia láng giềng gần như không có cơ hội tiếp cận với giáo dục.

Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo về tình trạng trẻ em thất học ngày càng tăng tại Syria, Mali, Trung Phi, Congo, Somali...

Cơ hội đến trường là không thể có với trẻ em tại các nước có xung đột (Ảnh NPR)

Bà  Alice Albright, giám đốc điều hành về Cơ quan quan hệ đối tác toàn cầu về Giáo dục cho biết, hiện quỹ hỗ trợ giáo dục tại các nước có xung đột chỉ chiếm một phần tư trong tổng số viện trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc.

Liên Hợp Quốc cho rằng "giáo dục là không thể chờ đợi", đồng thời kêu gọi Thế giới  thống nhất hành động cho giáo dục, bằng cách tăng viện trợ nhân đạo cho giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị đều nhất trí rằng, giáo dục sẽ đóng vai trò trung tâm trong những mục tiêu phát triển của Thế giới cho những năm tới.

Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa (UNESCO) Irina Bokova khẳng định, giáo dục phải được xây dựng trong một môi trường hòa bình và nó phải được gắn liền với sự phát triển lâu dài tại bất kỳ quốc gia nào./.