Cuộc khủng hoảng Syria hiện đã lắng dịu, nhưng vẫn còn không ít thách thức và trở ngại trong việc chấm dứt xung đột, mang lại hòa bình và ổn định cho quốc gia Trung Đông này. Cùng với các nỗ lực của quốc tế nhằm tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria, Liên Hợp Quốc và các bên liên quan đang thúc đẩy việc sớm tổ chức một hội nghị hòa bình về Syria, còn gọi là Hội nghị Geneva 2, được cho là cơ hội để tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.

syria-militants-ng.jpg
Hội nghị hòa bình Geneva 2 đang gặp trở ngại chủ yếu từ phe đối lập Syria (Ảnh: Press TV)

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Lakhdar Brahimi ngày 19/10 đã tới Ai Cập - điểm dừng chân đầu tiên ở Trung Đông. Ông Khawla Mattar, người phát ngôn của đặc phái viên Brahimi cho biết, trong chuyến thăm kéo dài hai ngày tới Ai Cập, ông Brahimi sẽ gặp ngoại trưởng nước chủ nhà để thảo luận về việc chuẩn bị cho Hội nghị Geneva 2.

Các điểm dừng chân tiếp theo của Đặc phái viên sẽ được thông báo trong quá trình diễn ra các chuyến thăm, do đang diễn ra lễ Eid Al-Adha của người Hồi giáo.

Trước đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết Hội nghị hòa bình Geneva 2 có thể sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 tới.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh hiện nay, Hội nghị Geneva 2 là sự lựa chọn sáng suốt cho cả các bên tham chiến và các nước lớn cần phải đặc biệt quan tâm để tránh lặp lại những sai lầm như cuộc xung đột ở Kosovo, Iraq... Theo đó, các bên ở Syria cùng các nước trong khu vực cũng như quốc tế cần bàn thảo và đề ra các giải pháp hòa bình cho Syria.

Trước hết là ngừng bắn dưới sự giám sát của Liên đoàn Arab, hoặc một tổ chức do Liên Hợp Quốc chỉ định; tiếp đó là các cuộc đối thoại dân tộc gồm tất cả đại diện các phe phái, tôn giáo chính đảng và chính phủ Syria nhằm tìm ra những thỏa hiệp chính trị cho đất nước.

Mặc dù vậy, việc tổ chức hội nghị hòa bình Geneva 2 hiện đang gặp không ít trở ngại, chủ yếu từ phe đối lập Syria do lực lượng này đưa ra yêu cầu tiên quyết là loại bỏ Tổng thống al-Assad ra khỏi tiến trình chuyển tiếp chính trị.

Người phát ngôn của đặc phái viên Brahimi cho biết: “Cho đến nay, chúng tôi mới chỉ biết được rằng phe đối lập đang thảo luận để quyết định. Họ đang có cuộc gặp ở Istanbul và sẽ đưa ra quyết định”.

Đại diện của liên minh đối lập Syria tại Mỹ ngày 18/10 cho biết lực lượng này vẫn chưa quyết định có tham gia hội nghị quốc tế về Syria hay không. Trong khi đó, Hội đồng Dân tộc Syria - tổ chức đối lập lớn nhất của Syria ở nước ngoài - cũng đã tuyên bố sẽ từ bỏ Liên minh Dân tộc của phe đối lập và lực lượng cách mạng Syria, nếu Liên minh này tham gia Hội nghị Geneva 2. Đây là tổ chức đã được sự công nhận từ hàng loạt quốc gia Arab và phương Tây, tuy nhiên do mâu thuẫn nội bộ nên đã không thể thực hiện công việc một cách hiệu quả.

Về phía phương Tây, lâu nay ủng hộ lực lượng đối lập Syria trong cuộc chiến lật đổ Tổng thống al-Assad, Ngoại trưởng Anh William Hague ngày 18/10 cho biết, nước này sẽ đăng cai hội nghị quốc tế về cuộc xung đột tại Syria vào ngày 22/10 tới để chuẩn bị cho Hội nghị Geneva 2.

Theo ông Hague, các bên sẽ “thảo luận về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Geneva, cách thức hỗ trợ cho Liên minh Dân tộc Syria đối lập, cũng như các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột thảm khốc này”. Tham dự Hội nghị tại London sẽ có các đại diện của phe đối lập Syria và các ngoại trưởng của nhóm gọi là “London 11”, một nhóm chủ chốt của Những người bạn của Syria trong đó có Mỹ, Pháp và Saudi Arabia. Nga sẽ không tham dự hội nghị này.

Trong bối cảnh Liên Hợp Quốc đang tăng cường các nỗ lực triệu tập Hội nghị hòa bình về Syria, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tại một cuộc họp báo ngày 18/10 cho biết, Trung Quốc luôn giữ quan điểm rằng giải pháp chính trị là biện pháp thực tiễn duy nhất để giải quyết các vấn đề tại Syria./.