Ngày 18/2, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ diễn ra cuộc họp các nước thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhằm tìm kiếm một nghị quyết về vấn đề nhân đạo tại Syria. Tuy nhiên, các nước phương Tây và Nga vẫn chưa giải quyết được bất đồng về nhiều điểm.
Những người tỵ nạn Syria đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn (Ảnh AFP) |
Trong khi đó, Đại sứ Litva Raimunda Murmokaité, Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc tháng 2 cho rằng, hiện là quá sớm để có thể khẳng định cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra trước cuối tuần này. Đại sứ Nga Vitaly Churkin từ chối đưa ra một thời điểm cụ thể, song cho rằng, cuộc họp có thể không đạt kết quả.
Theo các nhà ngoại giao, cuộc thảo luận tập trung đặc biệt vào khả năng áp đặt lệnh trừng phạt đối với những người gây cản trở hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Tuy nhiên, Nga không muốn một dự thảo nghị quyết mang tính một chiều, nhằm chống lại chính quyền của Tổng thống Syria Bachar al- Assad, trong khi các nước phương Tây cho rằng, nghị quyết phải có yếu tố ràng buộc để gia tăng sức ép.
Theo Đại sứ Pháp Gérard Araud, nhìn chung một thỏa thuận là có thể song nghị quyết phải có sức nặng và ảnh hưởng thực sự tại khu vực. Hiện còn 3 tới 4 điểm gây tranh cãi, song theo ông, mọi việc đều có thể đàm phán được. Bởi một trong yếu tố quan trọng là cho phép các cơ quan Liên Hợp Quốc tiếp cận Syria từ các nước láng giềng nhằm cung cấp các hỗ trợ nhân đạo.
Từ nhiều tuần qua, các nước phương Tây nỗ lực thuyết phục Nga bỏ phiếu thông qua một văn kiện về tiếp cận nhân đạo tại Syria. Về phần mình, Nga cũng gửi một dự thảo nghị quyết do nước này soạn thảo. Hiện các cuộc đàm phán xoay quanh cách thức phối hợp hài hòa 2 văn kiện này.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Syria bùng phát hồi tháng 3/2011, Nga đã 3 lần sử dụng quyền phủ quyết đối với các dự thảo nghị quyết do phương Tây soạn thảo nhằm gây sức ép đối với chính quyền Tổng thống al-Assad./.