Theo đó 6,5 triệu người Syria đang sống trong cảnh không nhà và khoảng 40% người dân Syria tức 9,3 triệu người cần viện trợ lương thực để duy trì cuộc sống.

Con số này cho thấy việc giải quyết lương thực cho hàng triệu người dân Syria đang trở thành vấn đề cấp bách.

Những người tỵ nạn Syria đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn (Ảnh AFP)

Báo cáo tình hình Syria trước Hội đồng Bảo an, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Cơ quan Viện trợ Nhân đạo của Liên Hợp Quốc, bà Valerie Amos cho rằng, cuộc khủng hoảng ở Syria "ngày càng xấu đi nhanh chóng".

Bà Amos đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc "đặt áp lực chính trị toàn diện lên cả chính quyền và các phe đối lập" ở Syria để đảm bảo sự tiếp cận cho các nhân viên cứu trợ nhân đạo.

Theo bà Amos, bạo lực kéo dài trong thời gian qua đã khiến 100.000 người dân thiệt mạng, hơn 2,2 triệu người buộc phải di cư sang các quốc gia khác.

Trung bình cứ 15 giây có một người tỵ nạn mới. Theo bà Amos đây là cuộc chạy đua với thời gian khi năm 2014 dự kiến sẽ có hơn 4 triệu người buộc phải rời khỏi Syria vì xung đột kéo dài.

“Mỗi ngày trôi qua, thêm nhiều người bị thiệt mạng trong khi các bên vẫn chưa thực hiện các nghĩa vụ cơ bản nhất. Nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, nhiều người bị từ chối các quyền cơ bản nhất và thêm nhiều người chết oan uống. Do vậy, tôi kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có những hành động để ngăn chặn các hành vi bạo lực này”, bà Amos tuyên bố.

Không chỉ có đói khổ, lần đầu tiên kể từ năm 1999, dịch bại liệt đã bùng phát trở lại và có nguy cơ lan rộng tại Syria. Cuối tháng trước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận 10 trong số 22 ca nghi sốt bại liệt tại Syria có kết quả xét nghiệm dương tính. Nguồn gốc mầm bệnh có thể được xác định trong tuần này. Hầu hết các ca nhiễm bệnh đều là trẻ em dưới 2 tuổi./.