Sau thỏa thuận giữa Chính phủ Syria và phe đối lập tại hội nghị Geneva 2 diễn ra tháng 1 vừa qua tại Geneva, Thụy Sỹ, Chính phủ Syria ngày 6/2 chính thức xác nhận cho phép sơ tán phụ nữ và trẻ em, người già và người bị thương rời khỏi các khu vực giao tranh ác liệt tại thành phố Homs, ở miền Trung Syria.

Tín hiệu tích cực tại Syria ngay lập tức đã nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 6/2 tiến hành phiên họp kín về tình hình Syria. 

quandoichinhphusyri.jpg
Quân đội Chính phủ Syria đi tuần tra  tại một khu vực đang có giao tranh (Ảnh: AFP)

Bộ Ngoại giao Syria ngày 6/2 cho biết, Chính phủ Syria và Liên Hợp Quốc đã đạt thỏa thuận cho phép sơ tán người dân tại thành phố cổ Homs - điểm nóng giao tranh giữa phe đối lập và quân đội Chính phủ. Quyết định này được xem là có thể giúp hàng nghìn người dân Syria, đang bị kẹt lại trong vùng chiến sự tại thành phố Homs, thoát khỏi tình trạng “bị cô lập” kéo dài gần 2 năm qua, cũng như cho phép các cơ quan nhân đạo tiếp cận với điểm nóng xung đột này. 

Liên Hợp Quốc và nhiều nước khác ngay lập tức hoan nghênh quyết định của Chính phủ Syria. Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Farhan Haq trong cuộc họp báo ngày 6/2, khẳng định, Liên Hợp Quốc sẵn sàng chuyển giao hàng cứu trợ tới những người còn kẹt lại tại thành phố Homs.

Ông Farhan Haq nói: “Chúng tôi hoan nghênh việc các bên nhất trí cho phép sơ tán người dân ra khỏi thành phố Homs cũng như cho phép hàng cứu trợ được vận chuyển tới đây. Liên Hợp Quốc và các đối tác nhân đạo đã chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, thuốc men và các trang thiết bị thiết yếu khác, sẵn sàng chuyển đến thành phố Homs bất cứ lúc nào khi nhận được tín hiệu đèn xanh từ các bên. Điều phối viên phụ trách hỗ trợ nhân đạo Liên Hợp Quốc Valerie Amos cũng khẳng định sẽ theo dõi sát sao thông tin về Syria.”

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama, mặc dù còn hoài nghi, song trong một tuyên bố ngày 6/2, cũng hoan nghênh động thái của Syria, đồng thời nhấn mạnh, đây là quyết định đúng đắn cần phải làm.

Trong khi đó, tại phiên họp kín của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, người đứng đầu phái bộ quốc tế Liên Hợp Quốc và Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học về vũ khí hóa học tại Syria (OPCW), bà Sigrid Kaag, đã trình bày báo cáo về tiến trình di dời kho vũ khí hóa học của Syria.

Theo bà Kaag, Chính phủ Syria đã lỡ thời hạn ngày 5/2 trong tiến trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học, theo đó, chuyển tất cả các vũ khí hóa học và các tiền chất hóa học, ngoại trừ hợp chất isopropanol, thành phần chính để sản xuất chất độc sarin và khỏi nước này.

Theo kế hoạch, Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học đặt mục tiêu đưa toàn bộ khoảng 700 tấn vũ khí hóa học nguy hiểm nhất ra khỏi lãnh thổ Syria trước tháng 1/2014 để có thể bắt đầu tiêu hủy trong tháng tới. Khoảng 500 tấn vũ khí hóa học còn lại, ít nguy hiểm hơn, sẽ được tiêu hủy tiếp sau đó và toàn bộ tiến trình sẽ hoàn tất vào khoảng 30/6/2014.

Tuy nhiên, tới cuối tháng 1/2014, Syria mới chuyển được 2 tàu cỡ nhỏ chở khoảng 4% trong tổng số 700 tấn vũ khí hóa học rời cảng Latakia và đưa đi tiêu hủy. Tuy nhiên, theo bà Kaag, việc Syria bị lỡ thời hạn chót là do điều kiện khách quan. Bà Kaag cũng bày tỏ hy vọng, với thời hạn chót đang tới gần, điều quan trọng là Syria phải đẩy nhanh việc di dời vũ khí hóa học ra khỏi lãnh thổ nước này.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp, bà Kaag nhận định: “Tôi không cho rằng Chính phủ Syria cố tình trì hoãn tiến trình tiêu hủy vũ khí hóa học. Tiến trình này vẫn đang được thực thi. Sự chậm trễ không phải là không thể vượt qua được. Trì hoãn là có lý do, do điều kiện khách quan. Hiện tại, tôi vẫn đang phối hợp với các đối tác có liên quan để xử lý vấn đề này.”

Chính phủ Syria cũng đã lên tiếng giải thích cho việc chậm trễ tiêu hủy vũ khí hóa học. Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal al-Mekdad cho biết, Syria đang làm tất cả những gì có thể để đáp ứng khung thời gian của Liên Hợp Quốc về tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria.

Về phía Nga, trong một tuyên bố đưa ra trước đó, người đứng đầu Cơ quan an ninh và giải trừ vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Mikhail Ulyanov cũng khẳng định, hạn chót 30/6 tới để phá hủy toàn bộ số vũ khí hóa học của Syria vẫn “hoàn toàn khả thi”.

Ông Ulyanov nêu rõ, tiến độ chuyển giao số vũ khí hóa học ở Syria bị chậm chễ là do an ninh không đảm bảo trên tuyến đường vận chuyển vũ khí hóa học đến cảng Latakia - nơi tập kết để chuyển lên các tàu nước ngoài đem đi tiêu hủy; ngoài ra còn có vấn đề kỹ thuật do chưa nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của quốc tế.

Tuy nhiên, bất chấp sự lý giải của Syria và ý kiến từ phía người đứng đầu phái bộ quốc tế Liên Hợp Quốc và Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học, Mỹ vẫn giữ một thái độ "thiên lệch" về Syria.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Powerngày 6/2 tuyên bố: “Chính phủ của ông al-Assad cần ngay lập tức thực thi các cam kết. Chúng tôi biết, Chính phủ Syria có đủ khả năng để vận chuyển các loại vũ khí rất nhiều lần trong thời gian diễn ra xung đột tại Syria. Đã đến lúc Chính phủ Syria không được chậm trễ, cần xây dựng ngay kế hoạch vận chuyển và duy trì kế hoạch của mình”./.