Hai ngày sau khi phát hiện một xe tải chứa 71 thi thể người nhập cư trái phép ở Áo, cảnh sát nước này lại tìm thấy một chiếc xe khác chở 26 người nhập cư, trong đó có 3 trẻ em đang trong tình trạng nguy kịch do thiếu nước.

Cảnh sát Áo ngày 30/8 thông báo vừa ngăn chặn được một thảm kịch nữa liên quan tới người nhập cư trái phép sau khi lục soát một xe tải ở miền Tây nước này và phát hiện 26 người đang trong tình trạng “cực kỳ nguy hiểm”, trong đó có 3 trẻ em.

ty_nan_hdlt.jpg
Hai người tỵ nạn tìm cách vượt rào từ Pháp sang Anh. Ảnh AP

Theo cảnh sát, chiếc xe tải đã  không chịu dừng lại ở một trạm kiểm soát giao thông đường bộ gần thành Braunau, gần biên giới với Đức và buộc cảnh sát phải can thiệp. Chiếc xe chở 26 người nhập cư trái phép từ Syria, Bangladesh và Afghanistan đang trong hành trình tới Đức.

Vụ việc mới nhất này xảy ra chỉ 2 ngày sau khi cảnh sát nước này phát hiện một chiếc xe tải bị bỏ lại trên tuyến đường cao tốc ở miền Đông, gần biên giới Hungary và bên trong có 71 thi thể người nhập cư đã bắt đầu phân hủy.

Đây chỉ là hai trong số một loạt thảm kịch xảy ra thời gian gần đây liên quan tới người nhập cư trái phép tìm đường vào châu Âu. Hàng nghìn người đã chết, trong đó thậm chí có cả một gia đình và tất cả những người này đều bất chấp mạng sống để chạy trốn chiến tranh và đói nghèo ở trong nước.  

Trong khi các dòng người nhập cư vẫn không ngừng đổ vào châu Âu và các thảm kịch xảy ra mỗi lúc một thường xuyên  hơn, châu Âu vẫn loay hoay tìm lời giải cho vấn đề nhập cư.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra, từ kinh tế, chính trị tới quân sự song tất cả  đều chỉ mang tính tạm thời. Cái khó của châu Âu là phải làm sau vừa giải quyết được dứt điểm cuộc khủng hoảng này, mà vẫn đảm bảo được các giá trị nhân đạo mà Liên minh hơn 50 năm tuổi này vẫn luôn theo đuổi.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl- Leitner, cách tốt nhất lúc này là thay vì cấm, Liên minh châu Âu cần phải tạo ra những tuyến đường hợp pháp và an toàn cho người nhập cư. Bởi chỉ có như thế mới ngăn chặn được những kẻ buôn người tìm cách kích động và dụ dỗ người nhập cư trái phép.

“Chúng tôi cảm thấy rất buồn trước những thảm kịch nhập cư vừa qua. Chúng ta cần một giải pháp, vừa giúp ngăn chặn dòng người di cư, lại vừa giúp bảo vệ người tỵ nạn. Tôi cho rằng, cách tốt nhất là xây dựng những con dường hợp pháp vào châu Âu. Với những con đường này chúng ta vừa có thể bảo vệ  người tỵ nạn lại vừa có thể ngăn chặn các băng nhóm tội phạm có cơ hội để hành động”, bà Leitner nói.

Cùng chung quan điểm này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon mới đây cũng kêu gọi thiết lập các kênh hợp pháp và an toàn cho người nhập cư. Theo ông, trong khi chưa giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề, thì việc cần làm nhất lúc này là đảm bảo mạng sống cho người nhập cư và cung cấp cho họ những hỗ trợ nhân đạo cần thiết.

“Tôi kêu gọi tất cả các chính phủ mở rộng các kênh nhập cư an toàn và hợp pháp, hành động trên cơ sở nhân đạo phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế. Đây là một bi kịch của con người vì thế nó đòi hỏi phải có một phản ứng chính trị tập thể và mạnh mẽ.

Những gì mà châu Âu đang phải đối mặt là một cuộc khủng hoảng về đoàn kết, chứ không phải là những con số. Chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể để giúp những con người đang trong hoàn cảnh tuyệt vọng nhất để bảo vệ cuộc sống của họ và điều quan trọng hơn là mang lại cho  họ cảm giác hy vọng”, ông Ban Ki-moon tuyên bố.

Thực tế là tới nay, Liên minh châu Âu mới chỉ đạt được sự đồng thuận tối thiểu liên quan tới việc giải quyết các hồ sơ xin tỵ nạn và số lượng các cơ sở tiếp nhận mà mỗi nước thành viên đồng ý dành cho người tỵ nạn.

Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, do tính chất khẩn cấp của vấn đề, khối này đang cân nhắc tổ chức một cuộc họp ccủa lãnh đạo 28 nước thành viên, song một cuộc họp như thế chắc chắn sẽ không thể diễn ra chừng nào  khối này chưa tìm ra được một chiến lược chung.

Trong khi chờ đợi, trên tuyến đường qua các nước Tây Balkan, vốn được xem là trạm trung chuyển của những người tỵ nạn Syria hay Iraq muốn vào châu Âu, giải pháp tạm thời hiện nay vẫn là triển khai quân đội.

Macedonia đã ra sắc lệnh tình trạng khẩn cấp tại khu vực biên giới, trong khi Hungary đã hoàn thành một phần hàng rào thép tại khu vực biên giới dài 175km với Serbia. Ngay cả Romania, quốc gia mà cuộc khủng hoảng nhập cư chưa chạm tới, nước này cũng thông báo sẽ tăng cường an ninh tại biên giới Serbia, do lo ngại người nhập cư sẽ vào nước này một khi biên giới giữa Hungary và Serbia bị đóng cửa./.